Phòng cháy chữa cháy tại chỗ, tại sao không?
Trong 9 tháng qua của năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy, thiệt hại tài sản hơn 9,2 tỷ đồng. Trong đó, có 16 vụ cháy xảy ra ở địa bàn nông thôn, gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy. Vì vậy, việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ là rất cần thiết, nhằm hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố cháy.
Các lực lượng tham gia diễn tập PCCC. |
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) -PC66, Công an (CA) tỉnh, trong 26 vụ cháy xảy ra trong 9 tháng qua của năm 2017 có 9 vụ cháy ở hộ dân, 8 vụ cháy ở cơ sở sản xuất, kinh doanh… Một số vụ cụ thể như: Ngày 25-7, vụ cháy xảy ra tại hiệu buôn Lam Chi ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè và cháy lan sang cửa hàng xe gắn máy ở bên cạnh. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Cái Bè - Cai Lậy xuất 3 xe chữa cháy, 3 xe bơm chữa cháy cùng 15 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy gần 3 giờ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy. Tổng thiệt hại tài sản của hiệu buôn khoảng 3,8 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ đồng của cửa hàng xe gắn máy.
Hoặc vụ cháy xảy ra vào ngày 10-8 tại hộ ông Bùi Ngọc Sáng ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Cái Bè - Cai Lậy đã xuất 3 xe chữa cháy, 2 máy bơm chữa cháy cùng 14 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy trong 1 giờ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang các nhà bên cạnh… Thực tế đáng tiếc là lực lượng chữa cháy tại chỗ hoàn toàn bất lực từ khâu phát hiện đến khống chế vụ cháy khi vừa mới xảy ra nên dẫn đến đám cháy bùng phát thành quy mô lớn.
Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng Phòng PC66 cho biết: Từ thực tế các vụ hỏa hoạn xảy ra cho thấy, lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên lực lượng này chưa phát huy được hiệu quả trong công tác PCCC. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực an toàn PCCC, Phòng PC66 đã tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện PCCC, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở. Trong 9 tháng qua của năm 2017,
Phòng PC66 đã tăng cường tuyên truyền trên Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đài truyền thanh cơ sở nội dung “An toàn về PCCC”; tổ chức 113 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ, công chức và nhân dân với 9.638 người dự và 1.574 cuộc tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm; mở 63 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, có 3.740 học viên tham dự. Đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh tổ chức công nhận, tái công nhận 158 cơ quan, phường, xã an toàn về an ninh trật tự và điển hình tiên tiến về an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra an toàn PCCC được Phòng PC66 tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành, kiểm tra đột xuất vào các thời điểm lễ, tết tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nhiều tính chất nguy hiểm về cháy, nổ… Đơn vị đã phối hợp các ban, ngành và CA các đơn vị, địa phương kiểm tra, phúc tra công tác PCCC 1.807 lượt cơ sở, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư và các xã có rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã lập 1.807 biên bản kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp tăng cường công tác PCCC; lập biên bản và xử lý 15 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC, phạt tiền 21,2 triệu đồng.
Theo nhận xét từ Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh tại 11 huyện, thành phố, thị xã cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra (từ ngày 11-7 đến 18-8-2016), hầu hết 11/11 huyện, thành phố, thị xã còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chưa được trang bị trang phục theo Thông tư 48 của Bộ CA; chưa trang bị đủ các phương tiện PCCC theo Thông tư 56 của Bộ CA nên vẫn chưa phát huy hiệu quả tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Trong Hội nghị Tổng kết công tác Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh 2016, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc CA tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, nhận xét: Lực lượng PCCC cơ sở, PCCC văn phòng các sở, ngành mặc dù đã được thành lập nhưng phương tiện trang bị cho lực lượng này còn thiếu, cũng như hoạt động của lực lượng này còn yếu. Do đó, lực lượng CA các huyện, thành phố, thị xã cần phải củng cố lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát huy tốt hiệu quả của công tác PCCC tại chỗ khi có sự cố cháy xảy ra.
Được biết, tại Công văn 1145/UBND-NC của UBND tỉnh nhằm tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh năm 2017, UBND tỉnh đã yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm sau: Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ hằng tháng đối với đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các ngành có liên quan trang bị phương tiện PCCC, trang phục chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành theo quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BCA và Thông tư 48/2015/TT-BCA của Bộ CA nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Tập trung xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân PCCC và CNCH sâu rộng, gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành. Xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn PCCC theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các khu dân cư, cụm doanh nghiệp…
PHÙNG LONG