Đình chỉ ngay 72 trạm cấp nước nhiễm asen
Asen tích tụ trong cơ thể con người thông qua nhiều con đường, đặc biệt là tiếp xúc liên tục với nước hoặc do ăn uống bằng nguồn nước có nhiễm asen (hàm lượng lớn hơn 0,01 mg/lít nước) thì ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), hiện có trên 20% dân số Việt Nam đang dùng nguồn nước nhiễm asen. Còn ở tỉnh ta, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện còn 72 trạm cấp nước sinh hoạt có hàm lượng asen lớn hơn giới hạn cho phép tối đa (theo QCVN 02 của Bộ Y tế thì Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt đối với các cơ sở cung cấp nước là hàm lượng asen cho phép trong nước sinh hoạt không được vượt quá 0,01 mg/lít nước). Trong đó, 47 trạm có hàm lượng asen từ 0,011 - 0,013 mg/lít nước, 9 trạm có hàm lượng asen từ 0,014 - 0,015 mg/lít nước, 10 trạm có hàm lượng asen từ 0,016 - 0,02 mg/lít nước, 5 trạm có hàm lượng asen từ 0,021 - 0,026 mg/lít nước và 1 trạm có hàm lượng asen 0,36 mg/lít nước. Cần nói thêm, dù nguồn nước bị nhiễm asen nhưng người dân vẫn phải sử dụng do không có nguồn nước khác thay thế.
Nói về giải pháp cải tạo chất lượng nước đối với 72 trạm cấp nước nhiễm asen trên, Sở NN&PTNT cho biết sẽ khoan thêm 67 giếng nước tầng sâu thay thế giếng cũ ở 67 trạm bị nhiễm asen; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý ở 5 trạm bị nhiễm asen. Còn theo ý của người viết bài này thì phải đình chỉ ngay 72 trạm cấp nước nhiễm asen và tiến hành ngay việc khoan giếng tầng sâu và đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý vì chậm ngày nào thì ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ngày nấy. Trong khi chờ đợi việc khoan giếng mới và đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý, ngành chức năng cần có giải pháp cung cấp nước sạch cho dân hoặc khuyến cáo người dân tìm nguồn nước sạch thay thế như nước mưa, nước mặt lóng phèn chẳng hạn. Nếu không làm được điều này thì đó cũng chính là điển hình của bệnh vô cảm.
P.V