Nên nhớ "Bán bà con xa, mua láng giềng gần"
Phiên tòa hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh đông nghẹt người. 3 người ngồi ở ghế bị cáo và 2 người được mời tham dự với tư cách bị hại, cũng là tác nhân gây ra vụ án. Ở hàng băng cây bên dưới, những người tham dự phiên tòa tự động chia thành 2 phe, không ai thèm nhìn ai, dù họ ở cùng một xóm ven Quốc lộ 1 trên địa bàn TX. Cai Lậy. Vụ án không lớn nhưng mang tính chất phức tạp và tế nhị.
Minh họa Lê Duy |
Theo cáo trạng, mức độ sai phạm của từng bị cáo rất rõ ràng, luận tội cho họ cũng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, đằng sau vụ án còn là mối quan hệ tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Ông N.M.N. và ông T.V.G. là nông dân sống bằng nghề nuôi cá. Ao cá của họ nằm kế cận nhau, phân cách bằng một con mương nhỏ. Họ là hàng xóm láng giềng thân thiết mấy chục năm nay, nhà này cần gì thì nhà kia sẵn lòng giúp đỡ theo khả năng. Vậy mà đã trở mặt nhau chỉ vì tranh chấp cái bờ ranh ao nuôi cá nhỏ xíu. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt, đến độ ông N. phải làm đơn gửi tư pháp xã nhờ giải quyết.
Trong khi chờ đợi chính quyền và các đoàn thể xã đứng ra hòa giải, ông N. phát hiện người nhà ông G. đã đào sâu và xắn lấn bờ ranh thay vì đắp đất lên.
Sợ sạt lở mương, ông N. tìm ông G. nói chuyện, nhưng ông G. lớn tiếng thách thức: “Cho ông đi thưa đó, tui đào cho sập mương luôn, làm gì tui?”. Bực mình, ông N. dùng cây đánh ông G. Không chịu thua, ông G. cũng dùng cây đánh trả lại.
Sau đó, ông N. bỏ về chòi nằm nghỉ. Sau khi biết chuyện đánh nhau nói trên, những đứa con của hai bên đã cự cãi, dẫn đến đánh nhau với đủ thứ hung khí: Cuốc, xẻng, chĩa, dao, gậy… Họ lao vào đánh nhau trên bờ, rồi quần nhau dưới nước. Máu đổ, hai gia đình đều có người bị thương và bị truy tố trước tòa.
Phiên tòa dài lê thê do các bị cáo trả lời rất dông dài, vì không rành lời ăn tiếng nói, không am hiểu nhiều pháp luật.
Người xem có cảm giác đây là một buổi hòa giải dân sự hơn là một phiên tòa hình sự xét xử tội danh “giết người” và “cố ý gây thương tích”, vì cả Hội đồng xét xử (HĐXX) từ chủ tọa phiên tòa, cho đến các vị hội thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đều rất kiên nhẫn và mềm mỏng. Cái đích cuối cùng mà HĐXX hướng đến là mong muốn hàn gắn tình cảm giữa hai bên.
Phiên tòa kết thúc. Hình phạt dành cho các bị cáo không cao: 2 án treo về tội “cố ý gây thương tích” và 2 năm tù về tội danh “giết người”. Gương mặt mỗi người của 2 bên gia đình vẫn hằn nỗi suy tư.
Là hàng xóm láng giềng, lại cùng một nghề, cùng địa bàn làm ăn, là điều kiện thuận lợi để hai bên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Vậy mà, chỉ vì tranh chấp một bờ ao, bọng nước mà tình làng nghĩa xóm sứt mẻ.
Ai đúng ai sai trong vụ án này có lẽ không nên đào sâu làm gì, vì chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa 2 gia đình. Bài học lớn nhất chính là 2 người cha đã không làm gương tốt, để xảy ra chuyện đánh nhau, kéo theo những đứa con cùng tham gia khiến cả 2 bên đều nhận lãnh hậu quả.
Chuyện tranh chấp sở hữu lối đi, con hẻm, bức tường hay bờ ao, con rạch… đã không còn là chuyện lạ trong các phiên tòa dân sự, hình sự. Tất cả xuất phát từ lòng tham và “cái tôi” quá lớn.
“Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Từ bao đời nay, tính cộng đồng trong làng xóm của người Việt sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn... đã trở thành một nét đẹp văn hóa cần được trân trọng, giữ gìn.
Tuy nhiên, khi tình cảm đôi bên đã bị thương tổn thì khó mà trở lại bình thường trong một sớm một chiều. Phải có thời gian và sự thiện chí, nhẫn nhịn, khoan dung của các bên, của những người chung quanh họ thì mới mong hàn gắn tình cảm của đôi bên gia đình.
DƯƠNG MINH