Thứ Năm, 04/01/2018, 11:01 (GMT+7)
.

Tăng cường phòng cháy chữa cháy trên sông

Từ thực trạng các vụ cháy, nổ trên các phương tiện giao thông đường thủy ngày càng gia tăng cho thấy, công tác cứu hộ phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên đường thủy nội địa trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Diễn tập chữa cháy trên sông. 						         				                   Ảnh: DUY NHỰT
Diễn tập chữa cháy trên sông. Ảnh: DUY NHỰT

Cùng với hệ thống kinh, rạch dày đặc, địa bàn tỉnh còn có sông Tiền và kinh Chợ Gạo là hai tuyến giao thông thủy huyết mạch, với trung bình mỗi ngày có trên 1.500 phương tiện thủy các loại vận chuyển hàng hóa với nhiều tải trọng khác lưu thông qua tuyến sông Tiền, trong đó có nhiều phương tiện chuyên chở hàng hóa dễ cháy, nổ như: Xăng, dầu, gas, than đá, hàng may mặc, vật liệu xây dựng… Do đặc trưng của loại hình vận tải trên sông nước, các phương tiện này cũng là nơi ăn, nghỉ và sinh hoạt của chủ phương tiện và thuyền viên nên việc sử dụng các nguồn nhiệt như bếp gas, bếp dầu, củi… để nấu nướng rất phổ biến. Ngoài ra, trên phương tiện còn thắp nhang, đèn thờ cúng, câu mắc điện thắp sáng là những nguyên nhân phát sinh nguồn nhiệt gây cháy, nổ. Trong khi đó, qua điều tra, phần lớn các phương tiện giao thông đường thủy trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đầy đủ; các chủ phương tiện chưa qua tập huấn nghiệp vụ về công tác PCCC. Vì vậy, khi có sự cố cháy xảy ra, hầu hết các chủ phương tiện thủy đều bị động và không biết cách chữa cháy tại chỗ kịp thời, gây thiệt hại về người và tài sản, cũng như gây nguy hiểm cho các phương tiện khác đang tham gia lưu thông.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC66, Công an tỉnh), từ năm 1999 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy trên các phương tiện thủy, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Ví dụ, vào 2 ngày 29 và 30-12-1999 đã xảy ra liên tiếp 2 trường hợp cháy ghe vận chuyển xăng dầu tại ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) do nấu bếp trong lúc xuất nhập xăng từ tàu sắt sang ghe tải, làm thiệt hại gần 70 triệu đồng, làm bỏng và bị thương 6 người. Hay trường hợp cháy tàu TG-91017 ở khu phố Tân Thuận, phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) xảy ra ngày 29-11-2006 do chập điện gây cháy tại mối nối 2 bóng đèn ở khu vực bệ thờ cúng trên cabin tàu, làm thiệt hại 70% cabin tàu cùng các vật dụng trên tàu (thiệt hại ước tính 55 triệu đồng). Hoặc trường hợp cháy ghe tải TG-5904 xảy ra vào ngày 16-2-2007 ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn (huyện Châu Thành) làm cháy rụi khoảng 95% ghe tải trọng 145 tấn và toàn bộ hàng hóa, vật dụng trên tàu, thiệt hại ước tính trên 260 triệu đồng. Nguyên nhân là do sự cố chập điện trên mối nối dây điện giữa 2 bình ắc quy tạo ra hiện tượng nóng, chảy các hạt đồng và gây cháy lan ra khi gặp lượng dầu nhớt cạn nằm ở dưới đáy tàu… Theo phân tích, nguyên nhân của các vụ cháy trên các phương tiện giao thông thủy nội địa chủ yếu do sự cố điện, đun nấu, thắp nhang thờ cúng.

Trước tình hình những vụ cháy trên phương tiện giao thông thủy có chiều hướng gia tăng, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có Kế hoạch 3652 về kiểm tra an toàn PCCC phương tiện giao thông thủy nội địa năm 2017, trong đó có các phương tiện thủy vận chuyển xăng, dầu, gas và các tàu du lịch, các bến thủy nội địa. Qua công tác triển khai phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng PC66 cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các chủ phương tiện và tất cả thuyền viên thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn PCCC được quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 35 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC của các phương tiện, chủ yếu tập trung vào điều kiện an toàn phòng chống cháy, nổ của hệ thống dây dẫn điện, thiết bị điện, đặc biệt trong khu vực hầm máy tàu, trạm bơm, hầm hàng và các khu vực nguy hiểm về cháy, nổ khác; chất lượng, khả năng hoạt động của các hệ thống PCCC, phương tiện chữa cháy được trang bị trên các tàu và các phương tiện, vật tư dự phòng; các điều kiện an toàn thoát nạn của hành lang, cửa…, các thiết bị phá dỡ như: Búa, rìu trên tàu.

Qua kiểm tra thực tế, Phòng PC66 đã lập biên bản kiểm tra, tiếp tục kiến nghị, nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC cụ thể như sau: Chủ phương tiện thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, nội quy, quy định về an toàn PCCC. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tăng cường đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, lực lượng PCCC tại chỗ thực hiện tốt công tác PCCC. Thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị PCCC và không được bố trí các phương tiện chữa cháy ở những khu vực khó thấy, khó lấy. Trang bị bổ sung phương tiện chữa cháy đúng chủng loại, số lượng đã được quy định trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm đốt nhang thờ cúng trong khu vực chứa hàng hóa dễ cháy và không bố trí nhiên liệu gần khu vực phát sinh nguồn nhiệt. Tham gia huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho các chủ phương tiện, người đứng đầu các bến thủy và nhân viên nhằm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản và nắm bắt những kỹ năng chữa cháy cho lực lượng tại chỗ.

P.LONG

.
.
.