Cái khó của Ban an toàn giao thông cấp xã
Ban An toàn giao thông (ATGT) các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông; kiểm tra, nhắc nhở các hộ vi phạm trên địa bàn phụ trách... Tuy nhiên, hoạt động của Ban ATGT cấp xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về kinh phí.
Các cơ quan chức năng thị trấn Tân Hiệp ra quân giải tỏa hành lang ATGT trên tuyến QL1A đoạn đi qua địa bàn. |
Với đặc điểm có nhiều tuyến đường nội thị và QL1A đi qua, công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn được Ban ATGT thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành) quan tâm, chú trọng. Để đảm bảo an toàn hành lang ATGT, UBND thị trấn Tân Hiệp đã thực hiện kẻ vạch quy định hành lang ATGT trên QL1A và sắp xếp lại vỉa hè ở các tuyến đường nội thị.
Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT thị trấn Tân Hiệp Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Trước tình hình các hộ dân lấn chiếm hành lang ATGT trên tuyến QL1A và các tuyến đường nội thị khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), Ban ATGT thị trấn đã tham mưu với các cơ quan chức năng cấp trên thực hiện kẻ vạch quy định hành lang ATGT trên tuyến QL1A (cách mép đường 2,5 m) và các tuyến đường nội thị (cách mép đường khoảng 1,3 m), kết hợp với việc sắp xếp, bố trí các hộ kinh doanh dọc theo các tuyến đường.
Song song đó, Ban ATGT thị trấn đã phối hợp với các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và cho các hộ dân, hộ kinh doanh ký cam kết giải tỏa theo vạch quy định trong 10 ngày. Đối với các hộ chậm khắc phục, Ban ATGT phối hợp với Công an thị trấn lập biên bản xử phạt hành chính và tịch thu các đồ vật lấn chiếm…
Đối với các hộ vi phạm kéo dài, Ban ATGT thị trấn đã lập danh sách gửi UBND huyện để huyện có biện pháp khắc phục. Qua đó, tình hình ATGT trên địa bàn thị trấn cơ bản được đảm bảo, các tuyến phố được sắp xếp lại ngăn nắp, hành lang ATGT và vỉa hè dành cho người đi bộ được thông thoáng, hạn chế được nguy cơ dẫn đến TNGT”.
Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân, thời gian qua, Ban ATGT cấp xã đã tập trung thực hiện nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính; lồng ghép trong các buổi họp tổ dân phố, các buổi sinh hoạt dưới cờ ở các trường học, phát thông tin về những quy định mới của pháp luật về ATGT qua hệ thống loa phát thanh của cấp xã...
Cùng với đó, Ban ATGT cấp xã cùng với các đoàn thể cùng cấp đã thực hiện hiệu quả các mô hình đảm bảo ATGT trên địa bàn như: “Tuyến đường sáng, xanh, đẹp, an ninh”, “Tổ tự quản an toàn giao thông khu dân cư”, “CLB Phụ nữ với ATGT”, “CLB Nông dân với ATGT”, “Tuyến đường thanh niên tự quản”…
Ngoài ra, còn ra mắt Đội Phản ứng nhanh cấp cứu nạn nhân TNGT (của Xã đoàn An Cư, huyện Cái Bè). Được thành lập từ đầu năm 2017, đến nay, Đội này đã cấp cứu kịp thời trên 10 trường hợp TNGT xảy ra trên các tuyến đường nông thôn của xã và trên tuyến QL1A đoạn đi ngang qua địa bàn xã.
Bí thư Xã đoàn An Cư Hoàng Anh cho biết: “Dù các thành viên trong đội hình hoạt động theo quy chế kiêm nhiệm và không có trợ cấp kinh phí, nhưng rất nhiệt tình và trách nhiệm, mỗi khi có tin báo - dù đêm khuya, là anh em có mặt ngay...”.
Để công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện sâu rộng và đúng đối tượng, Ban ATGT xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) đã phối hợp với ban chủ nhiệm các ấp văn hóa theo dõi, giám sát các trường hợp gây mất an ninh trật tự (ANTT), nhất là đối tượng thanh, thiếu niên thường nẹt pô, đánh võng…
Trưởng Công an xã Tân Hòa Đông Nguyễn Văn Mơ cho biết: “Nắm thông tin từ các ấp, Công an xã mời đối tượng này đến làm việc và cho làm cam kết không tái phạm, nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn xã thời gian qua được ổn định”.
Tuy nhiên, công tác của Ban ATGT cấp xã vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Công tác tuyên truyền ở một số nơi còn hình thức, chưa đạt hiệu quả cao; công tác kiểm tra, nhắc nhở các hộ vi phạm lấn chiếm hành lang lộ giới chưa được thực hiện thường xuyên và thiếu quyết liệt, dẫn đến vẫn còn nhiều hộ vi phạm kéo dài; ý thức của người dân chưa cao… Mặt khác, vấn đề kinh phí hoạt động hạn hẹp cũng là một trong những khó khăn của Ban ATGT cấp xã.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT xã An Cư Nguyễn Văn Phương cho biết, theo quy định, kinh phí hoạt động của xã được trích lại 30% từ số tiền xử phạt vi phạm hằng năm của xã (khoảng 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/năm), so với các hoạt động cần phải chi của Ban ATGT xã như: In ấn pa-nô, áp phích; sửa chữa biển báo hiệu, chỉ dẫn giao thông… thì số tiền trên còn rất hạn hẹp.
Còn theo Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT thị trấn Tân Hiệp Trần Thị Kim Hoa: “Cơ chế phân bổ tài chính cho công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều vướng mắc, do mức chi cụ thể cho từng hạng mục tuyên truyền vẫn còn rất thấp so với mặt bằng giá cả, nên hình thức tuyên truyền hiện nay chủ yếu là tuyên truyền miệng thông qua các buổi họp tổ dân phố, hệ thống Đài Truyền thanh thị trấn…, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không cao".
PHAN CAO