Người dân cần bình tĩnh, tránh mắc mưu kẻ xấu
Như tin đã đưa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) trong kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau.
Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, việc làm này là để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Quyết định trên được nhân dân cả nước hoan nghênh bởi đã tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện thái độ trọng thị, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do dân, vì dân.
Tuy nhiên trong ngày 10-6, tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành, một bộ phận người dân đã nghe theo lời kêu gọi “biểu tình ôn hòa” phát trên các trang mạng xã hội, đã xuống đường tham gia vào các nhóm tụ tập đông người giễu hành, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông... nghiêm trọng ở nhiều nơi. Tại TPHCM, vợ chồng anh Trần Minh Quang (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM) đưa con đến công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) vui chơi như mọi ngày nghỉ cuối tuần khác nhưng gặp nhiều khó khăn. Xe đang chạy ngon trớn trên đường Hoàng Văn Thụ từ hướng ngã tư Bảy Hiền, đến gần vòng xoay Lăng Cha Cả thì dòng xe đột nhiên đông hẳn. Đến gần vòng xoay này, gia đình anh Quang mới hay có một số nhóm người đứng tụ tập dưới chân cầu vượt và kéo dài xung quanh Công viên Hoàng Văn Thụ.
Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông cùng một số lực lượng khác đã có mặt điều tiết, vận động người dân giải tán, song giao thông tại khu vực, đặc biệt xung quanh khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và một số đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bị ùn tắc nghiêm trọng. Cạnh đó, các tuyến đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ… xe cộ đông nghẹt. Trước tình trạng này, anh Quang cùng gia đình đành đi vòng vào đường Lê Văn Sỹ và đi vòng về công viên Lê Thị Riêng, thay vì đến công viên Hoàng Văn Thụ như dự định trước đó. Trên tuyến đường Trường Sơn, nhiều người phải kéo valy, xách hành lý vội vã đi bộ vào sân bay. Ở hướng ngược lại, do không đón được taxi, xe ôm, hành khách cũng đành kéo va ly đi bộ ra khỏi sân bay.
Tình trạng ùn ứ giao thông cũng xảy ra tại các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, quận 3. Anh Nguyễn Bảo Thái, bảo vệ một quán cà phê tại khu vực hồ Con Rùa (quận 3) bày tỏ bức xúc cho biết có nhiều nhóm người tụ tập đi thành đoàn. Trong đó, họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu phản đối “cho thuê đất 99 năm”, lại gây cản trở lưu thông trên đường. Trước tình trạng này, chủ quán phải tăng cường anh em bảo vệ ra coi xe cho khách và đề phòng bất trắc. Thế nhưng, các bảo vệ cũng cũng không quan sát được hết, khi một xe của khách bị đập vỡ kính chiếu hậu. “Lương bảo vệ đã thấp, còn bị họa vô đơn chí. Coi như tháng này tôi mất 1/3 lương để bồi thường”, anh Thái rầu rỉ.
Chia sẻ với phóng viên về việc tham gia tuần hành, anh Phan Văn Hải (quận Bình Thạnh) cho hay, việc lùi thông qua dự thảo Luật Đặc khu là sự thận trọng cần thiết. “Tôi hoan nghênh quyết định này!”, anh Hải bày tỏ và mong muốn đối với các quyết sách quan trọng của đất nước, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng cũng như chủ quyền quốc gia cần được bàn kỹ, trường hợp cần thiết thì phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đề cập đến một số vụ việc phản đối dẫn đến xô xát, anh Phan Văn Hải cũng hy vọng mọi người cần bình tĩnh, biểu thị ý kiến một cách ôn hòa, không được quá khích để gây rối trật tự công cộng. “Việc không nghe thông tin chính thống một cách đầy đủ, việc tìm hiểu thông tin chưa kỹ lưỡng và thấu đáo, rất dễ bị kẻ xấu giật giây, lợi dụng, từ đó vi phạm pháp luật”, anh Hải nói.
(Theo sggp.org.vn)