Chủ Nhật, 22/07/2018, 22:11 (GMT+7)
.

Cảnh giác với "chiêu" vay tiêu dùng tín chấp

Những tấm bảng quảng cáo với nội dung: Ngân hàng hỗ trợ, vay tiêu dùng tín chấp, giải ngân nhanh chóng, lãi suất thấp, không thẩm định nhà… được treo nhan nhản trên các tuyến đường, cả thành thị lẫn nông thôn, đã và đang mang lại nhiều nỗi ám ảnh cho không ít người.

a
Bảng quảng cáo cho vay không thế chấp xuất hiện gần cống Gia Thuận, thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.

CHO VAY NẶNG LÃI “NÚP BÓNG”

Về các tuyến đường nông thôn giờ đây không khó bắt gặp những tấm bảng quảng cáo, với nội dung ngân hàng hỗ trợ cho vay. Ngay cả trên tuyến đê biển từ xã Gia Thuận đến thị trấn Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông cũng xuất hiện nhiều tấm bảng mang nội dung như thế.

Tại cống Gia Thuận, một tấm bảng thông tin ngân hàng hỗ trợ cho vay cũng được treo trên thân cây ven đường, thu hút sự chú ý của người dân qua lại. Một người dân gần khu vực này cho biết, không biết bảng thông tin này được ai treo và treo khi nào.

Nhưng chắc chắn một điều rằng, người dân không biết sau lưng tấm bảng thông tin đó là hoạt động của loại hình cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen. Bởi hiện nay hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi không dừng lại ở các khu vực đông dân cư, mà còn “vươn vòi” đến nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tình hình tín dụng đen

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6-7 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành báo cáo đánh giá, nhận xét tình hình tín dụng đen, đặc biệt có liên quan, tác động đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn.

Chúng tôi cũng từng đem vấn đề tín dụng đen để tham vấn giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Vị này cho rằng, rất cần kiểm soát lại trật tự thị trường tài chính tín dụng; bởi thực tế cho thấy rằng, thị trường tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối ổn định nên khi có sự xuất hiện của các “tổ chức tín dụng” như thế là không nên, dễ làm cho người dân ngộ nhận.

Thậm chí khi vay các gói tín dụng này, người dân có thể gặp rắc rối về sau, người cần có nhu cầu vay vốn nên cẩn trọng.

Vị giám đốc ngân hàng này cũng khuyến cáo, nếu người dân ở địa phương có nhu cầu vay vốn đã có quỹ tín dụng nhân dân cung ứng vốn, với mức lãi suất tương đối thấp, mặc dù có cao hơn một chút so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, mạng lưới các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn, nên người dân không nên vay theo dạng tín dụng đen.

Tìm hiểu thực tế mới thấy, đằng sau các tờ quảng cáo “cho vay không thế chấp” được dán, treo trên các cây xanh, cột điện, đã có không ít người trở thành nạn nhân của các đối tượng cho vay nặng lãi nhưng họ không dám lên tiếng.

Đơn cử như trường hợp tại thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây), một số người hàng xóm của bà T. cho biết, do bà T. vay tiền của các đối tượng cho vay lãi suất cao nên không có khả năng chi trả, đành phải bỏ nhà đi. Các đối tượng đến đòi nợ đã dùng gạch, đá… ném vào nhà.

Ngoài ra, các đối tượng này còn dùng sơn viết lên cổng rào lời lẽ thô tục, hăm dọa yêu cầu bà T. phải trả tiền.

Ông Đ. đang sinh sống tại huyện Gò Công Tây cho biết, hiện nay, những đối tượng cho vay nặng lãi cho “đàn em” về vùng nông thôn cho vay với lãi suất rất cao. Nhiều người dân đã rơi vào bẫy của các đối tượng này, có người phải bỏ nhà đi. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường phát tờ rơi đến tận nhà dân với hình thức cho vay không thế chấp.

Người vay chỉ cần Giấy chứng minh nhân dân là có thể vay tiền, các đối tượng này sẽ trao tiền trong vòng 1 ngày. Có những người vay tiền của các đối tượng này không trả nổi phải bỏ nhà đi, có trường hợp “con nợ” không có tiền trả nợ bị các đối tượng cho vay nặng lãi đập phá nhà.

Cũng theo một người dân tại huyện Tân Phú Đông, khi người dân có nhu cầu vay tiền, các đối tượng sẽ mang tiền đến tận nhà để cho vay. Tuy nhiên, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ lấy tiền lãi trước 3 tháng bằng cách trừ vào số tiền đã vay.

Có trường hợp, người vay phải chịu lãi suất lên đến 20%/tháng. Hiện các đối tượng cho vay nặng lãi chỉ cần người dân đưa Giấy chứng minh nhân dân và biết địa chỉ nhà là có thể “giải ngân” nhanh chóng mà không cần tài sản thế chấp.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe để qua mắt cơ quan chức năng. Vào tháng 5 vừa qua, Công an huyện Chợ Gạo phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi núp bóng công ty tư vấn tài chính.

Qua điều tra cho thấy, hằng ngày các đối tượng đến địa bàn các huyện, thị, thành trong tỉnh và tỉnh Bến Tre để cho vay, thu tiền lãi với lãi suất khoảng từ 20% - 28%/tháng. Mới đây, Công an TX. Gò Công tiến hành khám xét 2 căn nhà nghi có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Nhóm cho vay này có 7 đối tượng, tất cả đều có địa chỉ ở TP. Hà Nội.

Lực lượng Công an phát hiện đường dây cho vay nặng lãi tại huyện Chợ Gạo.
Lực lượng Công an phát hiện đường dây cho vay nặng lãi tại huyện Chợ Gạo.

NGƯỜI DÂN CẦN TỈNH TÁO

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an Tiền Giang, thời gian qua, tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh hoạt động với nhiều hình thức như cho vay thế chấp và cho vay không thế chấp…; phương thức hoạt động công khai (đăng quảng cáo, phát tờ rơi), các đối tượng không trực tiếp lộ diện mà điều hành qua các “chân rết”.

Qua công tác nắm tình hình, những người vay tiền thường có nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả của việc vay với lãi suất cao. Mặt khác, cũng có một số người nhận thức được hậu quả của việc vay này, nhưng vì cần tiền nên họ bất chấp hậu quả.

Ngành Công an đã tiến hành điều tra cơ bản các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Đến nay, qua rà soát, ngành Công an đã xác định được 7 tổ chức và hơn 400 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi để tiến hành đấu tranh. Bước đầu, ngành Công an đã điều tra 8 đối tượng, những đối tượng này cho vay với lãi suất từ 20% - 28%/tháng.

Thực tế cho thấy, hiện nay vai trò của địa phương trong việc đấu tranh với loại tội phạm cho vay nặng lãi hết sức quan trọng. Để ngăn chặn loại tội phạm này cần có sự cộng đồng trách nhiệm, không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Công an.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Dũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, địa phương đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về các thủ đoạn của các đối tượng cho vay.

Bên cạnh đó, địa phương còn hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội hay các ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, địa phương sẽ chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cấp xã gỡ bỏ các bảng quảng cáo, tờ rơi cho vay không thế chấp trên các tuyến đường.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Trí, trong thời gian tới, các ngành sẽ phối hợp tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng cho vay nặng lãi để người dân nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác; đồng thời, khuyến khích người dân tích cực tham gia tố giác hành vi của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Ngành Công an cũng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm cho vay nặng lãi. Trong đó, ngành tập trung rà soát, phân loại các tổ chức, cá nhân có biểu hiện cho vay nặng lãi để tổ chức giáo dục, cam kết không cho vay nặng lãi; thông qua các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, xử lý các cá nhân có biểu hiện cho vay nặng lãi…

NHÓM PVKT

.
.
Liên kết hữu ích
.