.

Trẻ hóa tội phạm- một vấn đề đáng lo

Cập nhật: 14:41, 23/10/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án, trong đó có những vụ án mạng nghiêm trọng. Điều đáng nói, nhiều đối tượng phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ.

Điểm lại một số vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, dù chưa có thống kê chính xác, nhưng qua ghi nhận của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng phạm tội tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà sẵn sàng tước đoạt mạng sống của nhau.

Cụ thể như, vụ án “Đâm chết người vì nợ tiền xăm” xảy ra trên địa bàn xã Tân Hội, TX. Cai Lậy vào ngày 4-9. Đối tượng gây án chỉ 16 tuổi. Trong lúc đi đòi tiền xăm, bị đối phương đánh, đối tượng đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người đối phương gây tử vong. Theo cơ quan Công an, đối tượng gây án đã bỏ học và vào đời từ sớm.

Theo Thượng tá Võ Quang Ái, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm là do các em nghiện game, phim ảnh bạo lực, ma túy... Bên cạnh đó, các em thiếu sự quản lý của gia đình, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dẫn đến sa ngã.

Cụ thể, trong vụ án giết người tại khu nhà trọ tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho, lỗi một phần ở nạn nhân. Ngoài đối tượng chính là C., 4 đối tượng khác tham gia gây án có tuổi đời từ khoảng 13 đến 19, hầu hết cha mẹ đã ly dị. Ngoài ra, 4 đối tượng đều nghiện game, khi test ma túy cả 4 em đều dương tính với chất ma túy...

Thạc sĩ Tâm lý học, Trưởng bộ môn Tâm lý học - Giáo dục học và Quản lý giáo dục, Trường Đại học Tiền Giang Nguyễn Giang Lam cho rằng, tội phạm ngày càng trẻ hóa là do thiếu sự quan tâm của gia đình, người thân. Có người nghĩ rằng, tôn trọng con trẻ là cho quyền tự quyết mà quên mất rằng con trẻ chưa đủ trưởng thành nên nhận thức còn nông cạn.

Người lớn không can thiệp sâu vào cuộc sống của con trẻ, nhưng cần quan sát và hỗ trợ con trẻ giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống. Khi con trẻ phát sinh những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, người lớn cần lắng nghe hơn là đưa ra lời phê bình hay cấm đoán. Người lớn cần lắng nghe để con trẻ có cảm giác được chia sẻ, ủng hộ và tin tưởng. Hành vi gây tổn thương về thể xác người khác là vi phạm pháp luật...

Cũng theo Thượng tá Võ Quang Ái, để ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm, gia đình cần có biện pháp quản lý con em tốt. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở cần vào cuộc, chung tay quản lý các em, nếu đủ điều kiện thì tạo việc làm cho các em hoặc tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để các em không sa vào những cám dỗ của xã hội.

Ý PHƯƠNG

.
.
.