.

Cẩn trọng việc cháy trong sản xuất, kinh doanh dịp Tết

Cập nhật: 20:48, 23/01/2019 (GMT+7)

TỪ CÁC VỤ CHÁY RÚT RA ĐIỀU GÌ?

Trong thời gian chuẩn bị đón Tết, tất cả mọi người, mọi nhà đều tất bật hoàn thành mọi công việc. Bởi theo tâm lý người Việt, tất cả đều phải hoàn thành trước giao thừa, để năm sau mọi điều được may mắn, hanh thông, suôn sẻ.

Trong sự tất bật đó, sẽ phát sinh sơ hở về phòng, chống cháy, nổ, rất dễ phát sinh những nguyên nhân gây hỏa hoạn, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bởi hàng hóa tập trung nhiều, mọi người chú tâm vào việc mua, bán, sản xuất nên sinh ra lơ là trong việc sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp, trật tự; trang thiết bị, máy móc có thể rơi vào tình trạng hoạt động quá công suất, gây chạm, chập điện; người sản xuất quên tắt nguồn lửa, nguồn nhiệt  khi đã dừng sản xuất; công nhân không chấp hành nghiêm quy định an toàn về phòng cháy, cụ thể là hút thuốc lá trong khu vực sản xuất…

Một vụ cháy xảy ra tại nhà kho chứa nhiều vật liệu dễ cháy trên địa bàn phường 7, TP. Mỹ Tho.
Một vụ cháy xảy ra tại nhà kho chứa nhiều vật liệu dễ cháy trên địa bàn phường 7, TP. Mỹ Tho.

Cách đây 4 tháng, vụ cháy xảy ra tại lò sấy lúa của một nhà máy xay xát ở ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) khu vực Gò Công đã điều 3 xe chữa cháy, 3 máy bơm chữa cháy cùng 15 cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) đến chữa cháy.

Dù đã ngăn chặn cháy lan sang khu vực lân cận, đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại 1 lò sấy lúa, sàn gỗ lò sấy và 5.000 kg lúa, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 45 triệu đồng. Sau khi điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân cháy là do trong quá trình sấy lúa sinh nhiệt gây cháy.

Một vụ khác, nguyên nhân dẫn đến cháy do hàn điện, phát sinh tia lửa nhiệt gây cháy kho sản xuất chế biến xơ dừa của một công ty trên địa bàn ấp Mỹ Hạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo. Sau khi nhận được tin báo,32 CB-CS cùng 4 phương tiện chữa cháy đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Đám cháy được dập tắt kịp thời nên không gây cháy lan và tài sản thiệt hại không đáng kể.

Tuy nhiên, từ thực tế các vụ cháy cho thấy, nếu cháy xảy ra trong sản xuất, kinh doanh sẽ gây hậu quả nặng nề về mức độ thiệt hại tài sản. Cụ thể, vào tháng 9-2018, vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất của một công ty trong Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, đã gây thiệt hại tài sản trị giá khoảng 500 triệu  đồng, bao gồm vải nguyên liệu, thành phẩm, thiết bị máy móc…, dù công ty có trang bị hệ thống chữa cháy tự động và hoạt động chữa cháy ban đầu tương đối hiệu quả.

Có nhiều trường hợp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu trang thiết bị chữa cháy ban đầu, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có, hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả, khi sự cố cháy xảy ra, hậu quả vô cùng nặng nề. Như vụ cháy xảy ra tại một vựa trái cây thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

Sau 4 giờ cứu chữa, đám cháy mới được dập tắt. Lúc đó, mức độ thiệt hại đã là 100% nhà kho khung thép, mái tôn có diện tích 810 m2, bên trong chứa nhiều rổ nhựa, thùng xốp, giấy gói trái cây, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng.

Đối với những công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, vài trăm triệu đồng có thể là tài sản không lớn, nhưng đối với những cơ sở vừa và nhỏ, có khi tất cả tài sản chỉ có vài chục triệu đồng hoặc vài trăm triệu đồng, nếu lửa thiêu rụi toàn bộ tài sản, nhiều người sẽ lâm cảnh khốn khó.

Cụ thể, cách đây 2 tháng, vụ cháy xảy ra tại một căn tin trường học do chập điện từ tủ lạnh, tuy chỉ gây thiệt hại 16 m2 nhà, 2 tủ lạnh, 1 xe nước mía và hàng tạp hóa trị giá khoảng 4,5 triệu đồng, nhưng đó là hầu hết tài sản của hộ này.

Vụ cháy gần đây nhất, vừa xảy ra trong những ngày đầu năm 2019, tại một cửa hàng xe gắn máy đã gây thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng, bao gồm 270 m2 nhà xưởng, 4 xe gắn máy, 1 xe đạp điện, thiết bị bảo trì, phụ tùng xe máy và một số vật dụng khác. Nhận định ban đầu, nguyên nhân gây cháy có thể do chập mạch dây dẫn điện trong kho phụ tùng.

Cháy không chỉ xảy ra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mà còn xảy ra trong quá trình vận chuyển hàng hóa nếu không chú ý thực hiện tốt công tác phòng ngừa. Vào tháng 9-2018, một xe tải lưu thông trên Quốc lộ 1A, hướng TP. Hồ Chí Minh - An Giang, khi  đến địa phận xã Long Định, huyện Châu Thành đã xảy ra cháy. Sau gần 3 giờ chữa cháy, đám cháy mới được dập tắt.

Hàng hóa trên xe thiệt hại trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nguyên nhân cháy do trên xe có nhiều thùng chứa hộp quẹt gas, trong quá trình di chuyển gây va đập phát nổ gây cháy.

Từ các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua cho thấy sự cần thiết của công tác phòng ngừa, nhất là thời điểm nhịp độ sản xuất, kinh doanh tăng cao như hiện nay. Trước tiên là việc phòng ngừa tại các cửa hàng tạp hóa.

Từ thực tế các vụ cháy cho thấy, nguyên nhân gây ra cháy tại các cửa hàng tạp hóa hầu hết là do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn và sơ suất, bất cẩn khi dùng lửa.

Trong khi đó, tại các cửa hàng tạp hóa thường tập trung nhiều loại hàng hóa dễ cháy và cháy lan nhanh như: Các loại giấy, vật dụng bằng nhựa, bao bì, túi xốp… Không cần qua công tác kiểm tra, bình thường khi đến các cửa hàng tạp hóa hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất là sự bề bộn, trừ một số cửa hàng có quy mô lớn, mặt bằng rộng.

Tuy nhiên, ở những nơi này, kho chứa cũng thiếu ngăn nắp, do nhiều cửa hàng vì muốn tận dụng không gian trưng bày và sự “tiện lợi” đã bày hàng kín cả lối đi, khi sự cố cháy xảy ra, không có lối thoát nạn và cũng rất vất vả trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thực tế, hầu hết các vụ cháy từ cửa hàng tạp hóa, tài sản thiệt hại thường là 100%.

ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN PCCC

Các cửa hàng tạp hóa cần phải thực hiện những biện pháp sau: Bố trí mặt bằng giữa khu bán hàng và kho riêng biệt, có tường ngăn cháy, bố trí khu vực bán hàng thành từng khu, lô hàng hóa riêng biệt tạo khoảng cách ngăn cháy lan.

Bố trí ít nhất 2 cửa đi thoát nạn. Cửa thoát nạn phải là loại cửa lùa, mở ra phía ngoài nhà, không khóa cửa thoát nạn trong quá trình hoạt động. Lắp đặt dây dẫn điện và thiết bị điện theo đúng tiêu chuẩn. Dây dẫn phải luồng trong ống bảo vệ.

Lựa chọn cầu dao tự động để bảo vệ tách riêng điện kinh doanh, điện chiếu sáng thành hệ thống riêng biệt. Thường xuyên quan tâm thực hiện nội quy PCCC tại cơ sở, nhắc nhở những người làm việc tại cửa hàng nêu cao ý thức cảnh giác, tự giác chấp hành nội quy, quy định về PCCC.

Không bố trí xăng, dầu, chất dễ cháy khác chung trong khu vực bán hàng. Trang bị các phương tiện chữa cháy phù hợp. Đối với cửa hàng trên 300 m2 thì lắp đặt hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và trang bị bình chữa cháy xách tay theo quy định. Lập đội, tổ PCCC tại cơ sở và tổ chức huấn luyện nhiệm vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ. Bố trí người trực bảo vệ, tuần tra, canh gác vào ban đêm để kịp thời phát hiện cháy và chữa cháy hiệu quả khi mới phát sinh.

Đối với các cơ sở sản xuất, có các biện pháp sau: Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

Sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy chỉ đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hàng hóa sản xuất ra được chuyển đi ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất. Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.

Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptômat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện: Chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện. 

Không lập bàn thờ để thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc. Không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn. Xây tường ngăn cháy giữa các bộ phận sản xuất có diện tích lớn theo quy định.

Cửa đi qua tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

Có hệ thống thông gió, chống tụ khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; không để hàng hóa cản trở lối thoát nạn. Thành lập đội PCCC cơ sở; mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc có người tham gia đội PCCC cơ sở; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy.

Lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CHCN. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất. Thực hiện đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, không những góp phần cùng lực lượng chức năng phòng ngừa cháy, nổ xảy ra mà còn bảo vệ tốt tài sản, tính mạng của chính mình.

THANH DUY

.
.
.