Thứ Sáu, 11/01/2019, 20:12 (GMT+7)
.

Trang bị kỹ năng thoát hiểm để tự bảo vệ mình

Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ sà lan tự chìm trên tuyến sông Tiền, đoạn thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, làm chết 3 người. Vị trí sà lan chìm cách bờ Tiền Giang khoảng 300 m.

Đó là chiếc sà lan tự hành, đăng ký TG 15999, trọng tải 303 tấn, công suất máy 350 sức ngựa, do bà Huỳnh Thị Ngoan, ngụ xã Song Bình, huyện Chợ Gạo làm chủ, vận chuyển cát lấp từ bến phà Xuân Đông về hướng cầu Chợ Gạo.

Khi đến ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, do triều xuống thấp nên sà lan neo đậu, chờ triều lên để di chuyển tiếp. Lúc neo đậu, trên sà lan có 4 người làm thuê, thời tiết đang có gió mạnh hơn mọi ngày, nhưng không ai được phân công cảnh giới, mà tất cả vào ca bin ngủ.

Đến khi sà lan chìm, nước tràn vào, chỉ có anh Huỳnh Văn Niềm, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre may mắn bơi được vào bờ, còn 3 thanh niên kẹt lại ca bin. Chưa hoàn hồn sau cơn thoát hiểm may mắn, anh Niềm kể lại: “Lúc nước tràn vào, mọi người giật mình thức dậy, hốt hoảng la làng, mạnh ai nấy chạy. Tôi chạy ra cửa sau, bị nước hút trở vào. Nhờ nhanh trí ôm chặt 1 cái trụ chịu lại, một lúc sau nước bình lại, tôi trồi lên bơi vào bờ kêu cứu...”.

Các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh… đã khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trục vớt sà lan, bảo vệ hiện trường, điều hòa giao thông.

Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Lê Văn Hưởng đã đến hiện trường vụ tai nạn chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm, trục vớt sà lan và phải đảm bảo an toàn trong quá trình trục vớt; đồng thời, thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.

Do triều cường, nước xiết nên công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Phải sau 8 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng mới xác định vị trí sà lan chìm dưới lòng sông cách vị trí neo đậu khoảng 380 m, cách bờ Tiền Giang 298 m.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ, thợ lặn tìm thấy thi thể 3 thanh niên kẹt trong ca bin đưa vào bờ, giao gia đình đưa về mai táng và tiếp tục công tác trục vớt sà lan.

Cách đây hơn 1 năm (tháng 12-2017), trên tuyến kinh Xáng Long Định, thuộc ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cũng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến sà lan tự hành, làm 2 người tử vong trong ca bin; đến nay, mỗi khi nhắc lại, làm nhiều người xót lòng, vì hậu quả của nó quá thương tâm.

Nhiều người có kinh nghiệm cho biết, khi phương tiện thủy bị chìm, người kẹt lại trong ca bin rất khó thoát ra được do sức hút của nước tràn vào. Vì vậy, khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy, đặc biệt là sà lan tự hành, cần nâng cao nhận thức, kỹ năng thoát hiểm phòng khi phương tiện gặp sự cố.

Trong các cuộc tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh luôn có những khuyến cáo đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Cụ thể là, khi neo đậu phương tiện phải chọn vị trí an toàn, tránh gió, khi ngủ phải có người cảnh giới, nhất là những phương tiện có tải trọng lớn, chở nặng.

Phát hiện phương tiện bị phá nước, đang chìm thì phải nhanh chóng thoát ra ngoài, sử dụng áo phao hoặc bất cứ dụng cụ nổi nào thuận tiện nhất để thoát hiểm, cố gắng nhất có thể để phát tín hiệu kêu cứu. Đặc biệt là, không được chạy vào ca bin, hầm lái, hầm mũi, vì khi nước tràn vào, người gặp nạn sẽ bị cuốn vào, không thể thoát ra được.

Trong giao thông đường thủy, sà lan tự hành có tốc độ di chuyển trung bình không nhanh như những loại hình vận chuyển khác, nhưng tải trọng lớn, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nên là phương tiện vận chuyển lưu thông khá nhiều trên đường thủy hiện nay.

Để phương tiện này phát huy tối đa tiện ích của nó, phòng ngừa những rủi ro và những hậu quả nghiêm trọng do ảnh hưởng xấu của thiên tai, mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt quan tâm đến các biện pháp đảm bảo an toàn khi sống trên phương tiện.

THANH VIỆT

.
.
Liên kết hữu ích
.