Bà Phạm Thị Yến bị "trục xuất" khỏi chùa Ba Vàng
Cập nhật: 19:58, 26/03/2019 (GMT+7)
Tại hội nghị thông tin báo chí về hoạt động “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, sáng 26-3, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết đã phạt hành chính bà Phạm Thị Yến 5 triệu đồng do vi phạm nếp sống văn hóa. Đồng thời, công an thành phố này cũng không nhận cho công dân Phạm Thị Yến cư trú và hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng
Bà Phạm Thị Yến trong một buổi giảng pháp. Ảnh cắt từ clip |
Trong buổi thông tin cho báo chí, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết, bà Phạm Thị Yến là công dân cư trú ở TP Hạ Long, sinh hoạt tôn giáo tại Chùa Ba Vàng. Hiện nay, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà Yến trở về nơi cư trú và hiện bà Yến đã về.
Đồng thời UBND TP Uông Bí giao UBND phường Quang Trung xử phạt hành chính về hành vi "vi phạm nếp sống văn hóa" với bà Phạm Thị Yến, mức xử phạt 5 triệu đồng, theo Nghị định 158.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi của bà Yến như: hành vi thông tin, trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký ở chùa Ba Vàng.
"Chúng tôi đề nghị công an tiếp tục thu thập chứng cứ. Còn đối với các cơ quan thông tấn báo chí, chúng tôi đề nghị thông tin rộng rãi để những ai thuộc đối tượng bị hại thì sớm trình báo với công an", ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Với hoạt động tại chùa Ba Vàng nói chung, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết đã có văn bản yêu cầu chùa dừng "thỉnh vong" và "cúng oan gia trái chủ" vì không có trong danh mục đăng ký với nhà chức trách.
Đồng thời, Sở Thông tin - Truyền thông cũng đã yêu cầu dừng hoạt động các website của chùa Ba Vàng; Sở Nội vụ đã làm việc với Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chấn chỉnh hoạt động tại chùa Ba Vàng.
Công an TP Uông Bí cũng tăng cường xác định nhân thân, lai lịch của những người nhà chùa xuất hiện trong video do báo chí đăng tải; tiếp tục kiểm tra tạm trú tạm vắng với những người đến tu tập tại chùa để không bị kẻ xấu lợi dụng.
Quang cảnh buổi họp báo |
Trả lời câu hỏi: Vì sao sự việc này diễn ra đã nhiều năm nhưng chỉ khi báo chí vào cuộc điều tra mới phát hiện, trong khi lực lượng an ninh văn hóa đông đảo lại không phát hiện ra?
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Thời gian qua chính quyền không nhận được thông tin ai bị cưỡng ép phải nộp tiền vào chùa để "cúng vong" mà đều là tự nguyện "cúng dường" vào chùa. Các di tích, lễ hội đều nằm trong quản lý của nhà nước, nên các hoạt động ở đây đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Nếu phát hiện các vi phạm thì đều bị xử lý công bằng trước pháp luật.
Ông Hà cũng chia sẻ và cảnh báo người dân: Niềm tin với các tôn giáo là công bằng. Do đó, chính quyền đối xử công bằng với các tôn giáo. Nhưng hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi các gia đình khó khăn, bệnh tật là rất đáng lên án. Chúng ta cần đấu tranh công khai để loại trừ hoạt động này, để tôn giáo, tín ngưỡng phải là động lực phát triển xã hội.
Cũng theo ông Hà, liên quan tới việc "thỉnh vong" và "cúng oan gia trái chủ", sở dĩ đã diễn ra một thời gian dài cho tới khi báo chí vào cuộc mới bị phát hiện là do chùa Ba Vàng cố tình che dấu và giấu giếm hoạt động này.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo này, câu hỏi về việc "cúng oan gia trái chủ" và "thỉnh vong" có phải là mê tín dị đoan hay không?, ông Hà khẳng định câu trả lời phải từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thành phố đã có văn bản hỏi ý kiến Giáo hội Phật giáo và đang chờ đợi câu trả lời.
Chiều nay 26-3, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp về vấn đề liên quan tới chùa Ba Vàng.
(Theo sggp.org.vn)