Chủ Nhật, 28/04/2019, 21:25 (GMT+7)
.
Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật:

Bài 2: Nguyên nhân của tình trạng thanh, thiếu niên phạm pháp?

(ABO) Theo một khảo sát mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do thanh, thiếu niên (TTN) thực hiện. Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của TTN chủ yếu ở nhóm tội xâm phạm trật tự xã hội, cố ý gây thương tích thì nay ở tội danh nào cũng có đối tượng là TTN.

Còn theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, số người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố ngày một tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 có 56 người chưa thành niên; năm 2017 có 66 người chưa thành niên; năm 2018 có 79 người chưa thành niên bị khởi tố.

Qua theo dõi số liệu tại Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong ba năm 2015 - 2018, Tòa án cấp huyện và tỉnh đã thụ lý và giải quyết 175 vụ án hình sự với 232 bị cáo là người dưới 18 tuổi. Riêng trong quý I-2019, số vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi là 12 vụ với 17 bị cáo.

Thực tế xét xử cho thấy, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng, cơ cấu tổ chức, tính chất phạm tội ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Số trẻ em phạm tội đang “gia tăng và trẻ hóa” thực sự trở thành mối lo ngại cho gia đình và xã hội. Các vụ án có người chưa thành niên phạm tội tham gia có xu hướng tăng nhanh cả ở cấp huyện và cấp tỉnh. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do các bị cáo đang ở tuổi chưa thành niên một mình hay cùng đồng phạm cũng là những người chưa thành niên gây ra.

Đối tượng Lê Văn Mộc tại cơ quan điều tra. Ảnh: THANH VIỆT
Công an đang làm việc với một đối tượng TTN phạm pháp. Ảnh: THANH VIỆT

Thẩm phán Huỳnh Văn Ngoan, Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng và trẻ hóa tội phạm chưa thành niên: Về nhận thức, người chưa thành niên còn hạn chế về kiến thức nói chung và kiến thức xã hội nói riêng, không làm chủ được hành động của mình nên thường bị kích động, rủ rê, lôi kéo và hay bị người khác lợi dụng. Hơn nữa, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật nên nhận thức không hết, thậm chí không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội. Về phía gia đình của người chưa thành niên phạm tội đều lơi lỏng việc giáo dục, quản lý, ít quan tâm, chăm sóc con em mình dẫn đến tâm lý các em bị lệch lạc, ngang bướng, bất cần nên dễ bị lôi kéo, đặc biệt là các gia đình có cha mẹ ly hôn, làm ăn xa… Về phía xã hội, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy… cũng như những nội dung xấu trên Internet đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nhận thức và hành động của người chưa thành niên.

Thượng tá Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Công an huyện Cai Lậy chia sẻ: Tình trạng TTN phạm pháp hiện là vấn đề đáng quan tâm của xã hội mà nguyên nhân phần lớn các vụ xảy ra ở những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc, thường tụ tập thành băng nhóm. Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Tấn Khương, 17 tuổi, ngụ phường 1, TX. Cai Lậy. Cha mẹ ly hôn, Khương sống với bà nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà nội Khương phải lo đi làm kiếm sống nên ít có thời gian chăm sóc, Khương bỏ học, tụ tập bạn bè đi chơi. Không có tiền tiêu xài, Khương đã thực hiện 4 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn TX. Cai Lậy. Cùng hoàn cảnh với Khương, Nguyễn Thanh Nam, 16 tuổi, ngụ xã Long Tiên, huyện Cai Lậy sống với ông bà nội vì cha mẹ cũng ly hôn. Thiếu sự chăm sóc, không quan tâm, dạy dỗ của mẹ, cha nên Nam bỏ học, tụ tập bạn bè, rồi trộm cắp tài sản và bị Công an xã lập hồ sơ giao gia đình quản lý, giáo dục. Ngày 17-4, sau khi sử dụng ma túy đá, Nam đã cầm đầu thực hiện vụ cướp xe Honda chở khách trên địa bàn TX. Cai Lậy. Hay trường hợp của Lê Văn Mộc, 17 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Cai Lậy…

* Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang

+ Năm 2016, tổng số người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố là 56 bị can với các tội danh: “Trộm cắp tài sản” (23); “Cướp tài sản” (7); “Cướp giật tài sản” (6); “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe (6); “Giết người” (4); “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” (2)…

+ Năm 2017, tổng số người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố là 66 bị can với các tội danh: “Trộm cắp tài sản” (32); “Cướp tài sản” (10); “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông” (9); “Giết người” (4); “Hiếp dâm trẻ em” (2)…

+ Năm 2018, tổng số người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố là 79 bị can với các tội danh: “Trộm cắp tài sản” (38); “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe (9); “Giết người” (5); “Trộm cắp tài sản” (4); “Cướp giật tài sản” (4); “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (4)…

Còn ở huyện Chợ Gạo, trường hợp của Lê Văn Tới, sinh năm 2002, ngụ khu 2, thị trấn Chợ Gạo, gia đình đủ điều kiện lo cho em ăn học. Cha là tài xế xe tải Bắc Nam, phải thường xuyên đi xa nhà, không có điều kiện quan tâm dạy dỗ nên Tới học đến lớp 9 đã nghỉ học vì mê chơi. Gia đình cho Tới học nghề, nhưng cả hai lần em đều bỏ ngang, thường xuyên tụ tập đi chơi và tham gia đánh nhau. Còn trường hợp Nguyễn Huỳnh Duy Tiên ngụ Ô2, khu 2 thì có cha mẹ ly hôn, mẹ đi làm ăn xa, cha tái hôn. Tiên đã bỏ học từ lớp 7 để đi chơi với nhóm trong xóm nên thường xuyên tham gia đánh nhau khi nghe thành viên của nhóm bị gây sự…

Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Chợ Gạo cho biết: Công an huyện rất quan tâm đến tình trạng TTN vi phạm pháp luật nên thường xuyên phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả xấu. Sau khi làm rõ hành vi của từng đối tượng, lực lượng chức năng tiến hành xử lý theo quy định; đồng thời, phối hợp gia đình và các ngành có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng đã xử lý vi phạm hành chính rồi mà tiếp tục vi phạm.

Thẩm phán Huỳnh Văn Ngoan trao đổi thêm: Tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên gia tăng đến mức báo động. Một số loại án tăng cao như cướp giật tài sản, giết người. Số trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật phần lớn ở độ tuổi từ 16 - 18 tuổi. Những loại tội mà các bị cáo là người chưa thành niên thực hiện tập trung nhiều ở các tội như: “Cố ý gây thương tích”, “Trộm cắp tài sản”, “Giết người”, “Cướp giật tài sản”. Tuy ở độ tuổi còn rất trẻ song hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm và quyết liệt, có sự chuẩn bị về công cụ, phương tiện với thủ đoạn tinh vi và thực hiện hành vi phạm tội rất man rợ. Do vậy, hậu quả để lại rất nặng nề, gây bức xúc trong nhân dân và gây dư luận xấu trong xã hội.

HOÀNG AN

Bài cuối: Giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế tình trạng TTN phạm pháp
 

.
.
.