.
Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật:

Làm gì để giảm thiểu tình trạng " trẻ hóa" tội phạm?

Cập nhật: 18:45, 29/04/2019 (GMT+7)

(ABO) Hiện tượng thanh, thiếu niên (TTN) phạm tội ngày càng gia tăng về số lượng và cấp độ nguy hiểm. Trước thực tế trên, để kéo giảm và ngăn chặn tình trạng người vị thành niên phạm tội, thiết nghĩ ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Dưới đây là ghi nhận ý kiến của một số ngành chức năng:

* Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang: 

Để hạn chế tình trạng TTN phạm tội, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến tận cơ sở, gắn liền với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Đồng thời là cần tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng.

Thời gian tới, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, nhất là phòng ngừa tội phạm do TTN gây ra.

Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về phòng ngừa tội phạm do TTN gây ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do TTN gây ra.

Cùng với đó là tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý đối với TTN tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm trong TTN.

Thanh thiếu niên rất cần có nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích. Ảnh: PHƯƠNG MAI
TTN rất cần có nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích. Ảnh: PHƯƠNG MAI

* Thẩm phán Huỳnh Xuân Long, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang:

Nhằm giảm thiểu tình trạng “gia tăng và trẻ hóa” tội phạm chưa thành niên, thiết nghĩ trách nhiệm đến từ mỗi gia đình, nhà trường, xã hội và hơn hết chính là bản thân của các em. Trong những năm qua, ngành Tòa án đã hết sức chú ý đảm bảo về chất lượng xét xử đối với các vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện.

Mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là mang tính giáo dục thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Các Tòa án địa phương cũng tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án điểm do người chưa thành niên thực hiện, nhằm tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, góp phần phòng ngừa TTN phạm tội.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, cha mẹ phải gương mẫu về đạo đức, lối sống và cần có thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con em mình, phải là chỗ dựa cho các em khi chưa là thành niên; đặc biệt phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể, chính quyền, cơ quan pháp luật để kịp thời uốn nắn, giáo dục khi có hành vi vi phạm pháp luật do các em gây ra.

Các địa phương cần có kế hoạch thống kê, giám sát, theo dõi riêng đối với người chưa thành niên để sớm phát hiện điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai lệch, vi phạm các quy chuẩn đạo đức để ngăn chặn kịp thời, tránh tình trạng để vi phạm xảy ra rồi mới lo xử lý.

* Thạc sĩ tâm lý Trần Thanh Nguyên, Khoa Tâm lý học - giáo dục học - quản lý giáo dục, Trường Đại học Tiền Giang:

Về khách quan, TTN dễ phạm tội vì gia đình ít quan tâm đến con cái; sân chơi và những hoạt động vui chơi lành mạnh cho giới trẻ còn thiếu nên các em dễ sa vào các trò chơi bạo lực (game online), phim ảnh có nội dung xấu.

Về chủ quan: Lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn mà các em muốn tự thể hiện, tự khẳng định mình bằng nhiều hình thức (tích cực lẫn tiêu cực), nếu tiêu cực sẽ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi bị xử lý cũng còn tình tiết giảm nhẹ (vị thành niên) nên hình phạt chưa đủ sức răn đe…

Để ngăn ngừa, hạn chế TTN phạm tội, giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và phối hợp đồng bộ để quản lý, giáo dục TTN và học sinh, sinh viên, tạo môi trường để các em có điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm hạn chế các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, hình thành tội phạm.

Đặc biệt, nhà trường cần xem trọng và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh. Gia đình cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý và giáo dục con cái, kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tiêu cực là tiền đề dẫn đến hành vi phạm pháp.

Đoàn Thanh niên cần tập hợp thanh thiếu niên tham gia những hoạt động có ích cho xã hội. Ảnh: XUÂN PHÚC
Đoàn Thanh niên cần tập hợp TTN tham gia những hoạt động có ích cho xã hội. Ảnh: XUÂN PHÚC

* Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang:

Để phòng ngừa, hạn chế tình trạng TTN phạm tội, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về phòng ngừa tội phạm do TTN gây ra.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cũng cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là thanh niên sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: Thanh niên không có trình độ văn hóa (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là chủ lô đề, cờ bạc; thanh niên không có việc làm...

Đồng thời là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp TTN nâng cao nhận thức về pháp luật, đạo đức, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng lối sống lành mạnh, cảnh giác với hoạt động tác động, lôi kéo của các loại tội phạm; tiếp tục nhân rộng và đổi mới các mô hình phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên của Đoàn Thanh niên tại địa bàn dân cư như: Tổ chức cho các Chi đoàn, đoàn viên, TTN đăng ký, cam kết không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; nhân rộng các mô hình “Thanh niên xung kích, tự quản”, “Thanh niên tình nguyện phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi ma túy”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”...

Cùng với đó là phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tạo dựng môi trường cộng đồng lành mạnh, thân thiện cho sự phát triển của vị thành niên; đẩy mạnh công tác cảm hóa, giúp đỡ TTN phạm tội, vi phạm pháp luật đang cải tạo tại cộng đồng.

* Đánh giá về lối sống của vị thành niên hiện nay:

+ 56,7% vị thành niên trả lời chỉ một bộ phận TTN hiện nay sống lành mạnh, 23,1% người trả lời đa số TTN thể hiện lối sống lành mạnh và 20,1% người trả lời rất ít TTN thể hiện được lối sống lành mạnh.

+ 48,7 % TTN được hỏi cho rằng lối sống của họ là kém hơn trước; 9,2% là tỷ lệ lựa chọn ở mức tốt hơn rất nhiều và tương tự ở mức kém hơn rất nhiều; 3,5% lựa chọn không có gì thay đổi.

+ 30,5% TTN lựa chọn đa số vị thành niên hiện nay học tập cầm chừng; 27,9% lựa chọn đa số có tiêu cực trong thi cử và 21,3% lựa chọn đa số không có ý thức học tập.

(Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn)

HOÀNG AN

.
.
.