.

Cảnh giác với "những chiêu" lợi nhuận bất thường

Cập nhật: 22:25, 02/04/2019 (GMT+7)
1- Sự việc đối tượng Phạm Ngô Cẩm Vân chủ cơ sở Tâm Vân dùng “chiêu” gia công xâu chuỗi, chiếm dụng hàng chục tỷ của nhiều người dân các tỉnh miền Tây thật sự là vấn đề “nóng” tuần qua, khi người dân bức xúc kéo băng rôn đến công an TP. Mỹ Tho yêu cầu xử lý đối tượng; dù thủ đoạn này đã được Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo từ trước.
 
Hiện tại, Công an Tiền Giang đang củng cố hồ sơ để xử lý chủ cơ sở Tâm Vân và những người có liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Tuy nhiên, qua vụ việc đặt ra nhiều vấn đề, bởi nó đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo nhận định của Công an Tiền Giang (đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của ngành), đây là thủ đoạn mới, tinh vi, đối tượng đã nghiên cứu kỷ để “lách luật hình sự" né tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hợp đồng giao dịch dân sự; để nhận tiền đặt cọc với giá cao hơn giá trị thực tế, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc huy động, chiếm dụng vốn kéo dài không trả, sau đó chiếm đoạt không thanh toán. 
 
Rõ ràng đối tượng đã đánh đúng tâm lý của người dân, vì việc xâu các chuỗi hạt không cần tay nghề, ai cũng có thể làm được, giá gia công lại cao, trong khi lao động phổ thông, nhàn rỗi trong dân hiện còn rất lớn. Với giá tiền công cao, nên nhiều người quên những ràng buộc khá phi lý như: việc đặt cọc cao hơn giá trị thực tế; phải nhận số lượng nhiều (kèm theo tiền cọc nhiều) mới cho nhận chuỗi về gia công.Tuy nhiên, qua vụ việc cũng cho thấy công tác truyền thông, cảnh báo chưa có hiệu ứng tốt, khi người dân tiếp cận thông tin chưa nhiều nên ít nhiều thiếu cảnh giác.
 
2- Đây không phải là lần đầu tình hình an ninh, trật tự xã hội bị xáo trộn với những chiêu lừa đánh vào tính hám lợi của người dân; qua đó để lại nhiều hệ lụy khó giải quyết; mà phổ biến là tình trạng “bể hụi” với đủ qui mô lớn nhỏ thời gian qua. Thực tế cho thấy hụi càng lời thì có nhiều người tham gia, nhưng nguy cơ “bể hụi” càng cao; và tình trạng “hụi ma” để lừa đảo, cho vay nặng lãi núp bóng hụi là khá phổ biến do các giao dịch trong chơi hụi thường lỏng lẻo về mặt pháp lý, chỉ dựa vào sự tin tưởng. 
 
Vì thế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường sẽ có hiệu lực vào ngày 5-4-2019. Trong đó có 3 điểm đáng chú ý có thể giúp cho người chơi hụi kiểm soát tài chính. Đó là bắt buộc thỏa thuận chơi hụi phải được thể hiện bằng văn bản. Khi những người chơi hụi có yêu cầu, văn bản thỏa thuận đó được công chứng, chứng thực.
 
Văn bản thỏa thuận về dây hụi có những nội dung chủ yếu: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi; Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; Phần hụi, thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi…Thứ hai, qui định lãi suất không vượt quá 20%/ năm; và đặc biệt là hụi viên được quyền đề nghị xử lý hình sự khi thấy có dấu hiệu lừa đảo (Quy định trước đây chỉ đưa ra một cách giải quyết là khởi kiện án dân sự).
 
Qui định đã rõ, tất cả nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, vấn đề còn lại là cơ sở để thực thi, bởi nếu các chủ hụi không thi hành thì biện pháp chế tài nào để ràng buộc; trong khi nền tảng của hụi là thỏa thuận dân sự dựa trên cơ sở niềm tin. Cho nên công tác thông tin tuyên tuyền, giáo dục pháp luật cho người dân nắm, hiểu về Nghị định mới khi tham gia các dây hụi là rất quan trọng. Đặc biệt, người dân cần tỉnh táo tìm hiểu kỷ khi quyết định chơi hụi, đừng quá hám lợi mà thiệt hại về mình.
 
DS
 
 
 
 
 
.
.
.