Thứ Hai, 01/04/2019, 22:14 (GMT+7)
.

Không để Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy

Nhiều đánh giá cho thấy, Việt Nam hiện đang là địa bàn trung chuyển ma túy, với khoảng 80% ma tuý vào Việt Nam được vận chuyển đi nước thứ ba.
a
Tang vật 895 bánh ma tuý thu giữ được vào đêm 27/3
2 tuần vừa qua, liên tiếp những vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng cực lớn bị lực lượng chức năng triệt phá. Vụ mới đây nhất vào đêm 27/3, Công an TPHCM bắt giữ được một lượng ma túy “khủng” ở ngay cầu vượt An Sương với 895 bánh heroin (315 kg). Trước đó 1 tuần, ngày 19/3, lực lượng chức năng đã bắt giữ 300kg ma túy đá tại quận Bình Tân.
 
Hai vụ bắt giữ ma tuý lớn ở TPHCM đều do các đối tượng nước ngoài cầm đầu và nguồn ma túy đều là từ vùng Tam Giác Vàng vận chuyển tới. Các vụ việc dấy lên hồi chuông về việc Việt Nam và TPHCM trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy từ Tam giác vàng.
 
Hơn 80% ma tuý vào Việt Nam trung chuyển đi nước thứ 3
 
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, hoạt động sản xuất, mua bán ma túy trong khu vực Đông Nam Á, nhất là khu vực Tam giác vàng có chiều hướng gia tăng đã tác động mạnh đến nước ta. Sát biên giới ma túy lúc nào cũng sẵn sàng với số lượng lớn được tập kết, khi có tín hiệu sẵn sàng vận chuyển về Việt Nam.
 
Nhiều đánh giá hco thấy, Việt Nam đang là địa bàn trung chuyển ma túy, vừa là địa bàn tiêu thụ ma túy. Số liệu thống kê đánh giá của Bộ Công an cho thấy, lượng ma túy vào Việt Nam là khoảng 20% dùng để sử dụng, 80% dùng để trung chuyển đi sang Đài Loan, Philippines, châu Úc, châu Âu, thậm chí sang cả khu vực Nam Mỹ.
 
“Trước đây, qua hợp tác quốc tế phòng chống ma túy cũng đã có những thông tin Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy. Những vụ án mà Bộ Công an phát hiện vừa qua cũng là dấu hiệu của việc này. Chúng tôi đã và đang tập trung đấu tranh phá gỡ, cương quyết không để Việt Nam thành trung tâm trung chuyển ma túy quốc tế", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây tại TPHCM.
 
Theo Bộ Công an, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp cả đường bộ, đường hàng không và đường biển do phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, công tác phát hiện gặp nhiều khó khăn.
 
Các đối tượng người nước ngoài cầm đầu câu kết với người trong nước hình thành đường dây vận chuyển ma túy tinh vi. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh miền Bắc, miền Trung, TPHCM, Tây Ninh, Đắk Nông... mở nhiều đợt cao điểm tấn công và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, các tỉnh như: Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình... là "điểm nóng" về các loại tội phạm ma túy nhưng đều bị trinh sát Bộ Công an chặn đứng. Có thể nói bước đầu đã phá vỡ được những dòng ma túy, đường vận chuyển ma túy ở Tây Bắc vì từ địa điểm này đến "Tam giác vàng" rất ngắn.
 
Tuy nhiên, khi "vòi bạch tuộc" bị chặt đứt ở phía Bắc thì các đối tượng thay đổi cách thức hoạt động, chuyển địa bàn vào miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
 
Còn tảng băng chìm rất lớn
 
Từ vụ bắt ma túy ở Hà Tĩnh (ngày 17/2/2019, bắt 278 kg ma túy tổng hợp dạng “đá”)  và Quảng Bình (ngày 12/10/2018, bắt 308 kg ma túy tổng hợp dạng “đá”) cho thấy nếu số ma túy này không được phát hiện sẽ được vận chuyển vào TPHCM.
 
Cơ quan chức năng xác định ma túy được vận chuyển từ khu “Tam giác vàng” (khu vực biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar) bằng đường bộ qua Lào đến các đường biên giới dọc miền Trung, hoặc đi qua Campuchia vào các tỉnh phía nam và TPHCM, sau đó trung chuyển qua Đài Loan, Trung Quốc và Philippines... tiêu thụ.
 
Các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia rất tinh vi, cho người đến TPHCM lập công ty xuất nhập khẩu hàng hóa để núp bóng vận chuyển ma túy. Ma túy được đưa về TPHCM, ngụy trang trong các thùng hàng đưa vào container để xuất đi các nước.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, mới chỉ thông qua tuần tra kiểm soát giao thông ngày 27/3, Công an TPHCM đã bắt giữ 895 bánh ma túy, cho thấy còn tảng băng chìm rất lớn trong hoạt động tội phạm ma túy liên quan đến địa bàn TPHCM mà các lực lượng chức năng chưa phát hiện được.
 
Những diễn biến về hoạt động ma túy trong thời gian vừa qua cho thấy, tội phạm ma túy đang chuyển hướng trọng tâm về TPHCM. Bởi TPHCM hội đủ các điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng. Trong đó, số người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM cao nhất cả nước, với hơn 23.500 người nghiện (có hồ sơ), nhưng trên thực tế người nghiện ma túy khoảng hơn 200.000 người, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn.
 
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa ma túy
 
Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, nếu không giảm được tội phạm này sẽ nảy sinh nhiều loại tội phạm khác. Trên thực tế, từ ma túy sinh ra trộm cắp, cướp của, giết người, ngáo đá, lái xe nghiện ma túy trong thời gian qua cũng đang là vấn đề nóng, dư luận hết sức bức xúc.
 
Ngăn chặn được 1 bánh ma túy, 1 kg ma túy vào Việt Nam là giảm được nhiều vụ án hình sự, giảm được nhiều gia đình không có người thân bị xử phạt tù, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm phạm pháp hình sự, không để Việt Nam là địa điểm trung chuyển ma túy, đóng góp vào việc xây dựng môi trường ASEAN không ma túy.
 
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm đã lợi dụng chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của nhà nước để phát triển theo. Do đó, đòi hỏi đòi hỏi công tác quản lý của ngành công an cũng phải có những bước tiến bộ mới để phù hợp với tình hình.
 
Hiện nay, ngày càng nhiều tội phạm ma túy xuyên quốc gia, nếu đánh đơn lẻ ở một quốc gia nào đó thì không đủ sức. Do đó sự hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh phòng chống ma túy là hết sức cần thiết.
 
Năm 2018, Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng Asean về vấn đề ma tuý và thống nhất được quan điểm các nước Asean trong phòng, chống ma túy, đồng thời ra tuyên bố: “Sẽ xây dựng Asean không ma túy".
 
Chính vì thế, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các nước Lào, Philippines, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, tổ chức nhiều đợt đồng loạt tấn công tội phạm ma túy và quyết tâm không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy.
 
Để mục tiêu này được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, lực lượng chức năng không chỉ tập trung triệt phá các đường dây trong nước mà chủ động phối hợp với các nước triệt phá các đường dây ma túy ngay từ ở nước ngoài nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ma tuý từ xa, giảm lượng cung từ nước ngoài vận chuyển trái phép vào nội địa nước ta.
 
Cùng với đó là các biện pháp để giảm cầu ma túy trong nước cũng như quản lý các đối tượng nghiện, các đối tượng có liên quan đến ma túy, vận động người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo khí thế mạnh mẽ của toàn xã hội, cảnh báo về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong giới trẻ hiện nay.
 
(Theo chinhphu.vn)
 
.
.
.