.

Nuôi mẹ tính tháng, tính ngày

Cập nhật: 16:57, 01/10/2019 (GMT+7)

Phiên tòa dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh vắng lặng, nếu chú tâm sẽ nghe rõ cả tiếng lật, giở hồ sơ của Hội đồng xét xử ở bên trên. Ngồi ở phía sau chiếc bàn cây trước tòa là bà mẹ hơn 70 tuổi và người con trai đứng bên cạnh với tư cách bị đơn. Bà mẹ ngồi im, lâu lâu lại kéo vạt áo chùi nước mắt. Thật ra bà không muốn kiện con mình.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Tháng 5-2016, người con trai xin mẹ cho mượn 3 chỉ vàng mà bà đã chắt chiu dành dụm mua được và “sổ đỏ”, nói là để làm ăn. “Bà mà không đưa cho tui, coi chừng ăn trộm vô cắt cổ lấy” - người con trai “cảnh báo”. Sợ quá, bà vội lấy đưa cho con trai mượn. Hôm sau, con trai nhắn bà thu xếp lên thành phố để vợ chồng nó chăm sóc. Mới ở được mấy tháng đã bị vợ chồng nó hắt hủi nên bà quyết định trở về căn nhà của mình ở dưới quê.

Trước tòa, người con trai bày tỏ sự “hiếu thảo” một cách rạch ròi: “Ở với vợ chồng tui, bả muốn ăn gì là vợ tui làm món đó…”.

Theo người con trai, nay bà mẹ muốn vợ chồng họ trả lại số tài sản trên thì phải trả tiền cơm đúng 6 tháng rưỡi. Nể tình mẹ con nên cho bà nửa tháng, còn tiền cơm 6 tháng thì dứt khoát phải tính thành tiền. Cả tiền ăn, tiền chăm sóc, tiền chở đi chơi hằng ngày là 200.000 đồng, tổng cộng là 36 triệu đồng. Chưa hết, người con trai còn “thống kê”: Từ năm 2011 đến 2014, người mẹ có một thời gian dài ăn ở tại nhà họ nên phải trả thêm 30 triệu đồng nữa…

Vị chủ tọa phiên tòa hỏi: “Nếu không có số tài sản đã mượn trên, vợ chồng anh có nuôi mẹ không?”. Người con trai thản nhiên trả lời rất nhanh: “Bây giờ bả có tiền thì ăn phải trả tiền, sao bắt con cái phải nuôi mình nữa…”.

Sau cùng, Hội đồng xét xử tuyên chấp thuận yêu cầu của người mẹ. Vợ chồng người con trai phải trả lại số vàng và “sổ đỏ” đã mượn của mẹ. Phiên tòa kết thúc có hậu. Người con trai đi ra khỏi phòng xử mà không thèm nói với mẹ mình lời nào.

Thắng kiện nhưng nhìn ánh mắt mờ đục, u buồn của bà, ai cũng biết bà rất khổ tâm. Không khổ tâm sao được khi sinh đứa con trai không bao lâu thì chồng bị nghi ngờ theo cách mạng và đã bị bắt ở tù, một mình bà phải bươn chải nuôi mấy đứa con thơ chờ chồng.

Lúc nhỏ, người con trai này bị bệnh liên miên, có lúc tưởng không qua khỏi. Chưa hết, nhà chỉ có cặp trâu cày ruộng, buộc phải bán một con để cưới vợ cho nó… Bà kể mà khuôn mặt nhăn nhúm, cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài qua các nếp nhăn chi chít.

Qua vụ án này, tôi sực nhớ đến câu: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Với những ai không nhớ đến công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành thì tương lai của họ sẽ chẳng tốt đẹp gì.

DƯƠNG MINH

.
.
.