"Phổ biến giáo dục pháp luật phải lựa chọn, ngắn gọn phù hợp với từng đối tượng"
Pháp luật của nước ta ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các lợi ích trong xã hội trên nguyên tắc công bằng, minh bạch. Do vậy, Ngày Pháp luật được tổ chức còn nhằm xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32. Ảnh: Văn Thảo |
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Sinh thời, khi bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác tuyên truyền cần chú trọng đối tượng tuyên truyền.
Phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm và hướng dẫn cụ thể. Theo Người, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng… để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Người còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền cũng phải là một tấm gương sáng. Người lý giải rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói và viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể.
Tháng 6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật số 14 - Luật PBGDPL. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013. Luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức PBGDPL; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam). Mục đích của ngày này nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. |
Trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Người xác định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người.
Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Bác căn dặn cán bộ Tư pháp: “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…”.
15 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 32 TẠI TIỀN GIANG
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (gọi tắt là Chỉ thị 32); Sơ kết 5 năm thực hiện Luật PBGDPL và Luật Hòa giải cơ sở. Theo đánh giá chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 15 năm qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể… đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới theo hướng tích cực; việc ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL của các cấp, các ngành luôn được quan tâm thực hiện. Tổ chức bộ máy chỉ đạo, thực hiện công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng và củng cố, kiện toàn thường xuyên, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Hình thức tuyên truyền, PBGDPL phong phú, sinh động, có nhiều mô hình mới, hiệu quả ở cơ sở được nhân rộng; nguồn lực cho công tác tuyên truyền, PBGDPL được quan tâm đầu tư.
Những kết quả đạt được trong công tác PBGDPL đã góp phần giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật, khiếu nại đông người, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1.088 tổ hòa giải với 7.052 hòa giải viên. 15 năm qua, các tổ hòa giải đã nhận và đưa ra hòa giải 43.285 vụ việc, trong đó hòa giải thành 31.209 vụ việc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Trần Văn Dũng ghi nhận và biểu dương thành tích của các ngành, các cấp, các tập thể và cá nhân đã đạt được trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần của Chỉ thị 32, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành trong thực hiện các đề án tuyên truyền, PBGDPL; củng cố kiện toàn hệ thống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền, PBGDPL phải lựa chọn, chắt lọc, ngắn gọn phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư.
Hội nghị cũng đã được nghe nhiều tham luận của các ngành, các địa phương về kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 14 cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chỉ thị 32 và 12 tập thể, 11 cá nhân có thành tích 5 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở.
HỒNG LÊ (tổng hợp)