Thứ Sáu, 27/12/2019, 20:48 (GMT+7)
.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

Bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo… mang lại trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thì tội phạm trên mạng xã hội cũng xuất hiện. Theo đó, nhiều hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh, số nạn nhân của tội phạm trên mạng xã hội gia tăng.

1. “Bẫy tín dụng đen”. Đây là một trong những hình thức mà tội phạm trên mạng xã hội thường hay sử dụng để dụ dỗ những người đang cần tiền trả nợ hoặc giải quyết công việc “nóng”. Người vay chỉ cần Chứng minh nhân dân, hình ảnh, sổ hộ khẩu... là có thể dễ dàng vay được tiền mà không hề được tư vấn cách tính lãi phải trả. Đây là bẫy mà những người đi vay không lường trước, đến khi lún sâu vào các khoản vay mới biết cách tính lãi, có khi lên đến 200%/tháng.

Theo Bộ Công an, khoảng 4 năm gần đây (thống kê chưa đầy đủ) cho thấy, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).
Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đang tiến hành phối hợp Công an TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang xác minh điều tra làm rõ một trường hợp vay tiền qua mạng “Youdong”, “Govay”, “Diva” với số tiền 200 triệu đồng, đã chuyển khoản trả nợ với số tiền 300 triệu đồng nhưng vẫn chưa hết nợ.

Ban đầu, nạn nhân chỉ vay 12 triệu đồng (thực lãnh chỉ nhận được 8 triệu đồng), lãi suất 4%/ngày, lãi suất quá hạn 2%/ngày) nhưng sau 2 tháng đăng nhập vay tiền online của 64 app ứng dụng cho vay tiền khác nhau, tổng cộng nạn nhân đã vay online số tiền lên đến 200 triệu đồng... Do không còn khả năng chi trả nên nạn nhân và gia đình thường xuyên bị nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm danh dự.

Thượng tá Nguyễn Văn Mười Hai, Trưởng Công an TX. Gò Công khuyến cáo: Vay “tín dụng đen” có rất nhiều hệ lụy, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây mất trật tự; đồng thời, liên quan đến các hành vi cầm cố tài sản, thế chấp tài sản không đúng quy định. Thời gian qua, Công an TX. Gò Công đã phát hiện, tiếp nhận và tiến hành xác minh, làm rõ tin tố giác của người dân có liên quan đến “tín dụng đen”.

Để phòng ngừa, hạn chế hoạt động “tín dụng đen” ở địa phương, Công an thị xã sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ hơn về hoạt động của những đối tượng cho vay nặng lãi để cảnh giác không để người thân hoặc bản thân liên quan đến “tín dụng đen”.

2. Gửi thư thông báo tặng kiện hàng lớn từ nước ngoài. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Tiền Giang), từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 56 tin báo của nạn nhân. Phần lớn nạn nhân cho biết, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần vì bị hấp dẫn bởi những món quà “khủng” mà đối tượng hứa hẹn nên bị “sập bẫy”.

Đơn cử, trường hợp của chị N. ở TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã bị lừa mất 46,5 triệu đồng vì “nộp phí” để nhận tiền và hàng hóa từ nước ngoài chuyển về làm từ thiện của một đối tượng vừa quen qua Facebook. Sau nhiều lần chuyển khoản vẫn chưa nhận được tiền, quà, chị N. nghi ngờ bị lừa nên báo Công an thì số điện thoại cùng tài khoản của đối tượng trên mạng đã ngừng hoạt động.

Điều tra viên Nguyễn Văn Khánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) cho biết, đối tượng lừa đảo nhắm đến những người phụ nữ độc thân, có những trắc trở trong tình cảm. Sau thời gian nhắn tin, “hẹn hò” qua mạng, chúng bắt đầu thủ đoạn lừa như muốn làm từ thiện, muốn tìm bạn đời, muốn đến Việt Nam sinh sống…, để chiếm đoạt tài sản, sau đó cắt liên lạc.

Để phòng tránh, lực lượng Công an khuyến cáo: Mọi người cần tìm hiểu và cảnh giác khi nhận được những hứa hẹn tặng quà “khủng” từ những người chỉ biết qua nickname trên mạng, hoặc mời nhận hàng, nộp phí qua điện thoại nhưng lại yêu cầu giữ bí mật, không cho người thân biết.

Trước tình hình gia tăng các hình thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, Công an tỉnh đã thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng để người dân cũng như cơ quan chức năng cảnh giác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người nhẹ dạ, cả tin, lơ là mất cảnh giác để rồi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Qua công tác đấu tranh, xử lý, theo dõi, phân tích tình hình, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân dùng mạng xã hội cần nâng mức độ bảo mật của mật khẩu, sử dụng chức năng thông báo về email hoặc số điện thoại khi có thiết bị lạ đăng nhập tài khoản, cảnh báo ngay với bạn bè và người thân trong trường hợp bị mất tài khoản nhằm tránh bị lừa đảo.

Bên cạnh đó, bất cứ giao dịch chuyển tiền nào cũng cần được thực hiện khi đã có xác nhận trực tiếp hoặc qua điện thoại với người nhờ để tránh bị lừa đảo.

Thượng tá Đặng Nam Hưng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

MỸ AN

.
.
.