.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

Cập nhật: 14:40, 14/12/2019 (GMT+7)

Gần đây, tại nhiều địa phương lại xảy ra tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Với thủ đoạn giả danh Công an, gọi điện thoại đến chủ thuê bao, thông báo thuê bao có liên quan đến một vụ án hình sự rồi đe dọa, đối tượng lừa đảo cho số tài khoản, yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền vào để chiếm đoạt.

Cảnh sát hình sự  Công an TX. Cai Lậy nghiên cứu đơn tố giác tội phạm lừa đảo của người dân gửi đến.       Ảnh: Thanh Việt
Cảnh sát hình sự Công an TX. Cai Lậy nghiên cứu đơn tố giác tội phạm lừa đảo của người dân gửi đến. Ảnh: Thanh Việt

GIẢ DANH, HĂM DỌA

Trước đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có một số người bị lừa mất hàng trăm triệu đồng qua điện thoại. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hiện nay tinh thần cảnh giác của nhân dân được nâng cao, nhiều người kịp thời báo Công an khi nhận được các cuộc gọi với nội dung lừa đảo. Theo đó, 2 tuần gần đây, Công an TX. Cai Lậy tiếp nhận nhiều đơn tố giác của người dân liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại.

Cụ thể, vào một ngày cuối tháng 11-2019, bà Đặng Thị Tiềm (ngụ TX. Cai Lậy) trình bày: Có người gọi điện xưng là Cán bộ điều tra ở Hà Nội thông báo tài khoản của bà hiện có gửi 22 tỷ đồng, số tiền này có liên quan đến vụ án rửa tiền và buôn bán ma túy mà đối tượng đã bị bắt. Tòa án nhân dân tối cao đang có lệnh bắt khẩn cấp bà và yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản để xác minh; đồng thời, đề nghị bà không được cho người khác biết. Xác định đó là thủ đoạn của bọn lừa đảo, bà Tiềm đã trình báo Công an.

Hay mới đây, sáng 3-12, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy Nguyễn Văn Luận nhận được cuộc gọi đến máy điện thoại để bàn giới thiệu là nhân viên bưu điện nhắn ông có một bưu phẩm, để được hướng dẫn thì bấm số 9. Khi ông làm theo hướng dẫn thì một nam thanh niên tiếp chuyện và thông báo ông có mua thẻ tín dụng của Saigonbank ở Hà Nội, số tiền mà ông đã sử dụng là 36,866 triệu đồng, hiện tại ngân hàng đang đòi tiền.

Sau khi ông Luận khẳng định là không có mua thẻ tín dụng, anh ta nói có thể bị người khác lợi dụng lấy danh nghĩa của ông để mua, nếu muốn ngăn chặn thì phải báo Công an Hà Nội. Anh ta kêu ông Luận chờ ít phút để nối máy với Công an Hà Nội. Sau đó có 1 người tự xưng là Trung úy Cao Minh Thắng, là Công an điều tra Hà Nội.

Người này hăm dọa: Nếu muốn chứng minh không liên quan, ông Luận phải ra Hà Nội để điều tra, xác minh, còn nếu trong vòng 24 giờ không trả thì sẽ khởi tố ông theo quy định của pháp luật. Nghe đến đây, ông Luận biết đây là đối tượng lừa đảo nên ngắt điện thoại; bởi trước đây ông có xem báo, đài về thủ đoạn này nên cảnh giác.

Trước đó, sáng 28-11, bà Đặng Thị Ngọc Oanh (ngụ khu phố 2, phường 1, TX. Cai Lậy) nhận cuộc điện thoại với thủ đoạn tương tự. Chúng đe dọa, rồi yêu cầu cung cấp giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà. Hoảng sợ, bà Oanh đã cung cấp một số thông tin cá nhân cho đối tượng, chúng hẹn 3 phút sau sẽ gọi lại. Rất may, sau khi nghe điện thoại, bà Oanh đã kịp thời trấn tĩnh, biết đây là thủ đoạn lừa đảo nên trình báo Công an. Tuy nhiên, hiện tại bà Oanh rất lo lắng vì đã cung cấp một số thông tin cá nhân cho đối tượng.

CHÀO HÀNG GIÁ RẺ

Một thủ đoạn lừa đảo khác là chào hàng giá rẻ hơn giá thị trường. Đối tượng đến các điểm kinh doanh mua bán chào các mặt hàng mà bị hại đang kinh doanh với mức giá rẻ hơn giá thị trường. Khi bị hại đặt mua, chúng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để làm tin. Sau khi bị hại chuyển tiền thì chúng chiếm đoạt.

Cụ thể là trường hợp của anh Phan Văn Phụng (ngụ huyện Cai Lậy) kinh doanh mặt hàng sắt thép tại nhà. Ngày 8-11, anh đặt mua 30 thùng keo Apolo1 có giá thấp hơn giá thị trường 20% của người tên Tỷ (giới thiệu là nhân viên của một cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh).

Người này báo giá 33,24 triệu đồng và yêu cầu anh Phụng phải chuyển 5 triệu đồng gọi là tiền “đặt cọc” để làm tin. Do tin tưởng, anh Phụng đã chuyển tiền qua điện thoại. Sau đó, người này tiếp tục gọi điện bảo anh Phụng chuyển tiếp 2,99 triệu đồng và mất liên lạc. Anh Phụng cho biết, anh chỉ nói chuyện với người tên Tỷ đó qua điện thoại chứ không biết mặt. Anh ta phát tờ rơi bảng giá cho cửa hàng của anh, thấy giá “hấp dẫn” nên anh mới đặt hàng.

Trung tá Trần Văn Dọn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TX. Cai Lậy cho biết, nguyên tắc làm việc của Công an là làm việc trực tiếp, không làm việc qua điện thoại. Cho nên khi người dân nhận cuộc gọi điện thoại mà đầu dây bên kia giới thiệu là Công an đang điều tra vụ án thì xác định ngay là đối tượng lừa đảo. Đối tượng có rất nhiều thủ đoạn nhằm khủng bố tinh thần của bị hại, người dân phải hết sức cảnh giác, bình tĩnh, không được làm theo yêu cầu của chúng, phải kịp thời báo cơ quan Công an gần nhất để có hướng dẫn, tránh bị thiệt hại về tài sản. Đối với việc chào hàng giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, người dân cần phải nhận hàng hóa trước khi chuyển tiền. Mọi người phải hết sức cảnh giác để tránh rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo.

HỒ SƯƠNG

.
.
.