Giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã tạo hiệu ứng tích cực được nhiều người dân ủng hộ, trong đó tín hiệu đáng mừng là số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia giảm sâu.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
Thực hiện nghiêm việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Tiền Giang) và Công an TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt triển khai, thành lập nhiều chốt kiểm tra xử lý vi phạm, kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như các nguyên nhân dẫn đến TNGT khác.
Qua 14 ngày triển khai thực hiện, lực lượng chức năng đã chặn dừng kiểm tra trên 2.236 phương tiện, phát hiện 114 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền gần 600 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 113 trường hợp, tạm giữ 114 phương tiện. Qua ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, số lượng cấp cứu giảm 50% so với trước và không có ca bị TNGT do rượu, bia.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, việc người dân tham gia các buổi tiệc cuối năm sử dụng rượu, bia sẽ tăng cao, nguy cơ gây TNGT rất lớn. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo: Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng, chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm, người dân không lạm dụng rượu, bia, tức là không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai (lon) bia 330 ml; 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml; hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml. Người đã sử dụng rượu, bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới; không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn (dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…). |
2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe là hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, có nguy cơ gây TNGT cao, cần xử lý triệt để.
Tại Tiền Giang, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Văn Vũ cho biết, Ban An toàn giao thông tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 18 về tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2020.
Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Việc tuyên truyền được bảo đảm thực hiện thường xuyên, liên tục; nội dung tuyên truyền theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, tuyên truyền phải thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền với xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn để thay đổi hành vi.
Thực hiện Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, tỉnh phấn đấu giảm TNGT từ 5% đến 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2019, giảm TNGT do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông và giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài.
MỸ AN