.

Đấu tranh quyết liệt với tội phạm kinh tế

Cập nhật: 09:52, 21/07/2020 (GMT+7)

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) toàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 850 vụ việc vi phạm pháp luật về: Tham nhũng, kinh tế và buôn lậu; khởi tố 41 vụ, 58 bị can, thu hồi gần 5 tỷ đồng thiệt hại. Trong đó, Phòng CSKT - Công an tỉnh phát hiện 106 vụ, tiến hành khởi tố 8 vụ án, 22 bị can và xử lý hành chính 99 vụ, 168 đối tượng.

 Bắt quả tang vụ sản xuất nhớt giả trên địa bàn huyện Châu Thành.                                                                                              Ảnh: LÊ HOÀI
Bắt quả tang vụ sản xuất nhớt giả trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: LÊ HOÀI

ĐẤU TRANH QUYẾT LIỆT

Những năm gần đây, tình hình tội phạm vi phạm về tham nhũng kinh tế diễn biến phức tạp, xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, với tính chất, mức độ nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm và một số cơ quan hành chính sự nghiệp.

Các lĩnh vực chủ yếu xảy ra tội phạm vi phạm về tham nhũng là: Tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải quyết các chính sách xã hội... Quy mô các vụ án tham nhũng bị phát hiện được dư luận rất quan tâm thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến năm 2020, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phân cấp theo quy định trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm tham nhũng, CSKT - Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố 6 vụ, 14 bị can, đã thu hồi gần 4,7 tỷ đồng. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc lực lượng CSKT cấp huyện điều tra 7 vụ, 7 bị can đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Nhìn chung, số vụ phát hiện về phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới nhưng tính chất, quy mô hoạt động ngày càng tinh vi, đối tượng luôn tìm mọi cách để đối phó với cơ quan chức năng nên khó phát hiện. Nguyên nhân phát sinh tội phạm là do các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra việc chấp hành nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng, chỉ dừng lại ở khâu triển khai trong nội bộ, chưa quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa bàn quản lý; công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa nghiêm…

Đặc biệt, thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật nổi lên ở một số lĩnh vực như: Ngân hàng, thuế (mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp), vận chuyển, mua bán hàng nhập lậu, hàng cấm (thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất), sản xuất, buôn bán hàng giả (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dầu nhờn, bột ngọt…), với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, CSKT đã khắc phục khó khăn, kịp thời phát hiện 101 vụ, xử lý 162 đối tượng vi phạm.

XỬ LÝ ĐẾN CÙNG CÁC VI PHẠM

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra các vụ án kinh tế, Thượng tá Châu Ái Việt, Trưởng phòng CSKT - Công an tỉnh chia sẻ: Thời gian qua, cơ bản các vụ án được khởi tố đều đảm bảo thời hạn, tiến độ điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra luôn phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân trong công tác thu thập, đánh giá chứng cứ. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn cơ bản, dẫn đến các vụ án không thể kết thúc trong thời hạn mà phải gia hạn thêm. Trên lĩnh vực kinh tế, tham nhũng rất rộng, xảy ra trong nhiều chuyên ngành được điều chỉnh bởi nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, để xác định được hành vi phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi với các ngành có liên quan để xác định.

Mặt khác, hành vi phạm tội của bị can xảy ra trong nhiều giai đoạn tài chính. Công tác giám định tài chính kéo dài, có trường hợp phải tiến hành giám định lại, hết thời hạn điều tra không kết luận được phải tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận giám định tài chính. Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng đa số là những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực họ phụ trách. Do đó, ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nên dẫn đến việc thụ lý giải quyết mất nhiều thời gian…

Dù khó khăn là vậy, nhưng theo Thượng tá Châu Ái Việt, trong thời gian tới, đơn vị sẽ kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với tội phạm: Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đơn vị sẽ đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội và xử lý đến cùng các hành vi vi phạm pháp luật, cho dù đối tượng vi phạm là ai.

ĐẶNG THANH

.
.
.