.

Kiểm tra đột xuất 2 trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX

Cập nhật: 21:46, 08/07/2020 (GMT+7)
Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có cuộc kiểm tra đột xuất 2 trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) gồm: Trung tâm dạy nghề Thái Việt (Thường Tín, Hà Nội) và Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, Trường Trung cấp nghề GTVT Hưng Yên.
 
a
Thiết bị "điểm danh" vân tay và thẻ học viên. Ảnh: VGP/Phan Trang.
 
Ứng dụng công nghệ tránh gian lận thi cử
 
Theo ghi nhận của phóng viên, dù kiểm tra đột xuất, 2 trung tâm đều chấp hành tốt quy định theo Thông tư 12 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
 
Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt cũng là lúc 2 trung tâm đang tổ chức phần thi lý thuyết và sa hình cho các học viên. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã trực tiếp di chuyển vào khu vực làm bài thi của các thí sinh và không phát hiện sai phạm, các thí sinh làm bài nghiêm túc, giám thị ngồi đúng vị trí….
 
Ông Nguyễn Cao Cương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thái Việt cho biết: quy trình sát hạch được trường thực hiện theo đúng quy định, thực hiện nghiêm túc, minh bạch hoá sát hạch lái xe, hiện tại đơn vị cũng đang triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý sát hạch lái xe. Học viên tham gia học lý thuyết phải điểm danh bằng vân tay, thiếu buổi học nào học viên sẽ phải học lại buổi đó, nghỉ học quá quy định thì học viên không được tham gia thi.
 
“Trong quá trình thi thực hành camera tự động sẽ chụp lại hình ảnh của thí sinh từ lúc ở vạch xuất phát đến khi hoàn thành phần thi, ảnh được camera ghi lại sẽ được đối chiếu với hình ảnh trong hồ sơ của thí sinh. Chắc chắn không có hiện tượng người ngồi trong xe lái xe thay thí sinh. Bởi hệ thống camera sẽ lưu hình ảnh vào máy của Trung tâm, ảnh này không sửa được nên nếu thí sinh nhờ thi hộ  hoặc nhờ người dạy "lái hộ" trong khi thi sẽ bị phát hiện”, ông Nguyễn Cao Cương cho hay.
 
Ông Vũ Thế Thuận, Hiệu trưởng Trường trung cấp GTVT Hưng Yên cũng cho biết, kể từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo và sát hạch lái xe, ý thức của học viên cũng được nâng cao hơn trước rất nhiều, việc gian lận trong thi cử không xuất hiện.
 
a
Học viên làm bài thi nghiêm túc. Ảnh: VGP/Phan Trang,
Ông Nguyễn Văn Huyện đánh giá: Trong quy trình thi lý thuyết và thực hành hiện nay, học viên trước khi vào thi, giám thị nhắc nhở làm thủ tục chụp ảnh, ghi rõ họ tên và rà soát tất cả các thiết bị nghe nhìn. Trong phòng thi, hệ thống camera được lắp đắt soi chiếu kỹ lưỡng. Hệ thống đánh giá phần thi thực hành cũng được tích hợp tự động, thí sinh mắc lỗi nào, hệ thống giám sát sẽ lập tức thông báo và trừ điểm ngay lúc đó.
 
“Chuyện gian lận gần như là không thể xảy ra trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay”, ông Huyện khẳng định.
 
Thông tin thêm, ông Huyện cho biết, đây là những thiết bị lần đầu tiên được đưa vào các trung tâm sát hạch bằng lái xe trên toàn quốc, đòi hỏi học viên phải học đầy đủ thời gian lý thuyết mới được tham gia sát hạch và giám sát cả thời gian học lái xe trên đường của học viên. Tất cả các trung tâm đều lắp camera giám sát ở nơi sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ để các cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể giám sát trực tiếp quá trình sát hạch.
 
Tăng kiểm tra định kỳ, đột xuất
 
Trao đổi về một số điểm mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin với công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX được thực hiện trong năm 2020, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết một số thay đổi đáng kể, như, hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình được kết nối từ các trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giám sát công tác sát hạch từ ngày 1-1-2020.
 
Các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX phải lắp đặt thiết bị để theo dõi, giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ của học viên từ ngày 1/5/2020, đảm bảo học viên phải đi học đủ số giờ theo quy định mới được học thực hành lái xe và tham dự kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
 
Đặc biệt, các trung tâm đào tạo cũng triển khai việc sử dụng mã QR từ ngày 1-6-2020 để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe để tăng cường tính bảo mật và tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
 
Đối với thiết bị mô phỏng, ông Lương Duyên Thống cho biết, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin tập lái xe), quy chuẩn về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trình Bộ KH&CN thẩm định trong tháng 6-2020.
 
a
Hệ thống giám sát thi thực hành. Ảnh: VGP/Phan Trang,
 
Việc thí điểm triển khai dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục đổi GPLX cấp tại Hà Nội và Hà Nam được thực hiện từ ngày 1-7-2020, sau đó Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành đánh giá để thực hiện trên toàn quốc trong năm 2021.
 
“Khi triển khai trên toàn quốc, người dân có nhu cầu đổi GPLX chỉ cần đăng ký và làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia, GPLX sẽ được chuyển về nhà theo đường bưu điện”, ông Thống cho hay.
 
Riêng về công tác sát hạch, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất và định kỳ và giám sát tại tất cả các Sở GTVT toàn quốc. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô nào không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị xử lý nghiêm bằng việc đình chỉ tuyển sinh và thu hồi giấy phép đào tạo.
 
(Theo chinhphu.vn)
 
.
.
.