Thứ Bảy, 11/07/2020, 16:24 (GMT+7)
.
Phiên giải trình, chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX:

Cần nâng cao chất lượng Hội đồng xét xử

 (ABO) Trong phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề “nóng” còn bức xúc trong nhân dân. Trong đó, một số vấn đề liên quan đến công tác tố tụng như: Tỷ lệ án sửa tăng; kết quả xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm vụ án Bùi Vũ Sơn Thành (tự Thành cổ mộ) được đại biểu quan tâm.

Vì sao án sửa tăng?

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề, theo báo cáo của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng án bị Tòa án cấp trên sửa tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Đề nghị TAND tỉnh cho biết nguyên nhân số lượng án bị sửa tăng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Nguyên nhân chủ yếu của án bị hủy?

Đồng chí Huỳnh Xuân Long
Đồng chí Huỳnh Xuân Long giải trình tại hội trường.

Giải trình vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long cho biết, thời gian qua, TAND hai cấp đã không ngừng nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ việc, chất lượng xét xử ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ án bị hủy giảm chưa nhiều, án bị sửa tăng so với cùng kỳ, trong đó cấp tỉnh sửa 2 vụ, huyện 6 vụ, với những lý do cụ thể như sau:

Án sơ thẩm không tuyên những người có liên quan đến việc thi hành án nên phải sửa án mới đảm bảo việc thi hành án; đánh giá chứng cứ chưa khách quan so với tài liệu trong vụ án; áp dụng sai quy định pháp luật khi tính án phí…

Về nguyên nhân án bị sửa tăng so với cùng kỳ là do HĐXX xem xét đánh giá chứng cứ chưa phù hợp với tình tiết, tài liệu, chứng cứ của vụ án, không xem xét tính toàn diện của bản án được tuyên và việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, áp dụng pháp luật về án phí còn thiếu sót.

Đối với án bị hủy, Tòa án hai cấp có 8 vụ án bị hủy (tỉnh 4 vụ, huyện 4 vụ), trong đó có 5 vụ bị hủy về nội dung do có thiếu sót khi thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ để đánh giá giải quyết toàn diện vụ án; 3 vụ bị hủy về tố tụng là do xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, vi phạm về thủ tục tố tụng khi giải quyết thủ tục phá sản.

Đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án. ảnh: HÀ NAM
Đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án. ảnh: HÀ NAM

Đồng chí Huỳnh Xuân Long thừa nhận những thiếu sót, hạn chế trong công tác xét xử của TAND hai cấp dẫn đến án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của HĐXX. Đây là một nhiệm vụ quan trọng TAND hai cấp nghiêm túc tiếp thu rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới. Để tiếp tục khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng xét xử, ban lãnh đạo TAND tỉnh đề ra các giải pháp.

Cụ thể, tổ chức rút kinh nghiệm đối với các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, của HĐXX, mỗi năm TAND tỉnh tổ chức 2 lần hội nghị rút kinh nghiệm đối với Thẩm phán TAND hai cấp (6 tháng và 1 năm) đối với các bản án bị hủy, sửa. Ngoài ra, khi có án bị hủy, sửa, các đơn vị trực thuộc cũng tổ chức rút kinh nghiệm để không có sai sót tương tự đối với các vụ án khác.

TAND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực tranh chấp thường gặp khó khăn và chưa thống nhất về quan điểm, áp dụng pháp luật để Thẩm phán, Hội thẩm nắm vững kỹ năng giải quyết, thống nhất về áp dụng pháp luật, thực hiện tốt việc tham dự các buổi tập huấn trực tuyến do TAND tối cao tổ chức mỗi tháng 1 lần.

Nghiêm túc kiểm điểm, phê bình và xử lý các trường hợp Thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy cao theo quy định của TAND tối cao về xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp.

Thực hiện việc công bố bản án có hiệu lực pháp luật và có đủ điều kiện công bố trên cổng thông tin điện tử của TAND để người dân giám sát, góp ý đối với công tác xét xử của Tòa án. Từ đó nghiêm túc học hỏi, tiếp thu nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao...

Cho hưởng án treo đối với bị cáo khi chưa đủ điều kiện

Liên quan đến án Bùi Vũ Sơn Thành (tự Thành cổ mộ) sinh năm 1979, đăng ký thường trú tại phường 4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, phạm tội cố ý gây thương tích. Các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, vấn đề này đã gây lo lắng trong nhân dân về chất lượng xét xử, đề nghị ngành Tòa án tỉnh cho biết, kết quả giải quyết và xử lý trách nhiệm đối với HĐXX phúc thẩm vụ án nêu trên.

Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Xuân Long giải trình: Ngày 11-3-2019, TAND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xét xử và tuyên bố: Bị cáo Bùi Vũ Sơn Thành phạm tội “Cố ý gây thương tích” và xử phạt bị cáo Bùi Vũ Sơn Thành 2 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam là ngày 25-10-2018.

Ngày 22-3-2019, Bùi Vũ Sơn Thành có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 23-5-2019, TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Bản án hình sự phúc thẩm số 57/2019/HS-PT ngày 23-5-2019 của TAND tỉnh Tiền Giang quyết định sửa bản án sơ thẩm: Tuyên bố bị cáo Bùi Vũ Sơn Thành phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 02 Điều 134, Điều 38, điểm b, s khoản 01, 02 Điều 51 và Điều 65 Bộ luật Hình sự,  bị cáo Bùi Vũ Sơn Thành bị xử phạt 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh đã phát hiện có sai sót, Ban Cán sự Đảng, ban lãnh đạo TAND tỉnh yêu cầu HĐXX phúc thẩm kiểm tra lại việc áp dụng pháp luật cho hưởng án treo đối với vụ án nêu trên. Qua xem xét đánh giá, HĐXX nhận thấy có những sai lầm của bản án phúc thẩm khi áp dụng pháp luật chưa đúng với hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành Điều 65 Bộ luật Hình sự dẫn đến việc bị cáo Bùi Vũ Sơn Thành không đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Sau đó, TAND tỉnh đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thị xã Cai Lậy.

TAND cấp cao đã kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là hủy toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND thị xã Cai Lậy. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, TAND thị xã Cai Lậy đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với bị cáo.

Đại biểu Lương Quốc Thọ phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Lương Quốc Thọ phát biểu tại hội trường.

Từ những thiếu sót trên, ban lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với HĐXX phúc thẩm khi xét xử áp dụng pháp luật cho hưởng án treo đối với bị cáo khi chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Đối với chủ tọa phiên tòa đã nghỉ hưu theo chế độ nên không áp dụng xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19-6-2017 của TAND tối cao.

TAND tỉnh nghiêm túc tiếp thu và tổ chức rút kinh nghiệm đối với TAND hai cấp trong việc xét xử các vụ án hình sự nói riêng và các vụ việc khác nói chung, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự, xem đây là một bài học cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác xét xử và áp dụng pháp luật đối với TAND hai cấp.

Tuy nhiên, sau khi nghe giải trình của đồng chí Huỳnh Xuân Long, đại biểu Lương Quốc Thọ tiếp tục có ý kiến. Đại biểu Thọ cho rằng, thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin nhiều vụ việc, kể cả lãnh đạo cấp cao khi tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ xử lý nhiều vụ việc trái với quy định pháp luật, khi về hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm, kỷ luật, không thể thoát tội. Cho nên, việc giải trình chủ tọa phiên tòa đã nghỉ hưu theo chế độ nên không áp dụng xử lý trách nhiệm là không thể chấp nhận. Đề nghị ngành Tòa án nghiên cứu lại vấn đề này. Đồng chí Huỳnh Xuân Long đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu đối với công tác xét xử và sẽ tiếp tục nghiên cứu chấn chỉnh nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

.
.
.