Thứ Tư, 09/09/2020, 08:52 (GMT+7)
.
DỰ ÁN CỤM DÂN CƯ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI CAI LẬY, TỈNH TIỀN GIANG:

Đền bù theo hướng có lợi cho người dân rất nhiều

Thanh tra Chính phủ kết luận: Qua các cuộc thanh, kiểm tra Dự án xây dựng Cụm dân cư và Trung tâm Thương mại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (viết tắt là Dự án), Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện có vấn đề tiêu cực. Hội đồng bồi thường (HĐBT) đã áp dụng các văn bản quy định đền bù, bồi thường về giá đất các loại, giá xây dựng nhà ở và vật kiến trúc phù hợp với từng thời điểm xây dựng phương án bồi thường - “đặc biệt là có lợi cho người dân rất nhiều”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản 1603 gửi UBND tỉnh Tiền Giang, nêu rõ: “… Trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ vụ việc, trường hợp đã có đủ cơ sở khẳng định việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là đúng quy định của pháp luật tại thời điểm tính toán và các hộ dân đã nhận tiền thì thông báo cho người dân, không nhất thiết phải ban hành quyết định thu hồi đất”.

MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA DỰ ÁN

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang Hà Thanh Hữu cho biết: Cụm dân cư (CDC) và Trung tâm Thương mại (TTTM) Cai Lậy được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng với tổng diện tích quy hoạch 255.474 m2, có 183 hộ bị ảnh hưởng.

Qua tuyên truyền, vận động được đại đa số người dân đồng thuận. Dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực: “Đã di dời dân vùng bị ngập lũ thường xuyên, gia đình diện chính sách vào CDC, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, lâu dài, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân ở thị trấn Cai Lậy (cũ) và các xã lân cận mở rộng thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời di dời khu chợ ở đầu cầu Cai Lậy vào Dự án nhằm mục đích mở rộng hành lang bảo vệ lộ giới theo quy định của Chính phủ, tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản, an toàn giao thông tại khu vực, được người dân đồng tình ủng hộ. Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, hợp lòng dân”.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười báo cáo kết quả thanh tra của cấp bộ, ngành Trung ương vụ khiếu nại CDC và TTTM Cai Lậy.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười báo cáo kết quả thanh tra của cấp bộ, ngành Trung ương vụ khiếu nại CDC và TTTM Cai Lậy.

Mặc dù có vài sai sót trong quá trình thực hiện, nhưng qua thử nghiệm cách tính lại của các ngành chức năng theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra về việc đền bù toàn bộ diện tích đất với giá đất ở cho thấy: Cách tính trên có lợi cho người dân rất nhiều, ít nhất là vài chục triệu, vài trăm triệu, có người được trên 1 tỷ đồng (cả giá trị hoán đổi đất và bán nền giá định).

Qua đó cho thấy, những yêu cầu, khiếu nại của một số ít hộ cá biệt (so với gần 200 hộ bị ảnh hưởng trong Dự án) là không phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.

KHIẾU NẠI CỦA BÀ SÁU KHÔNG CÓ CƠ SỞ, YÊU CẦU CHẤM DỨT KHIẾU KIỆN KÉO DÀI

Đồng chí Trần Văn Toàn, Tổ Công tác 2801 của UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Bà Lê Thị Sáu (khu phố 1, phường 4, TX. Cai Lậy) nằm trong 13 hộ dân phát sinh khiếu nại, yêu cầu nâng giá bồi thường từ năm 2007. Bà Sáu diện lý do, thay đổi Dự án từ Cụm dân cư sang Khu thương mại nên gia đình bà phải được hoán đổi thêm 2 nền tái định cư và bồi thường tiền hỗ trợ chi phí san lấp thửa đất vườn trên 1.000 m2; đồng thời, ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ.

Qua thẩm tra, rà soát lại vụ việc, HĐBT xét thấy khiếu nại của bà Sáu không phát sinh tình tiết mới nên UBND huyện Cai Lậy đã ban hành các quyết định, bác đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Lưu (chồng bà Sáu) và được UBND tỉnh giải quyết lần 2 bằng Quyết định 1683, ngày 15-5-2009, chuẩn y các quyết định của UBND huyện Cai Lậy. Sau đó, bà Sáu tiếp tục khiếu nại, yêu cầu Nhà nước phải giải quyết hoán đổi thêm nền tái định cư cho ông Thu, bà Nhung (anh chị em bên chồng bà)...

Năm 2010 và 2012, Đoàn Thanh tra Chính phủ đã vào rà soát lại toàn bộ vụ việc và có Báo cáo số 1261, được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng ý tại Văn bản 6357 kết luận: UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, đề nghị UBND tỉnh thông báo chấm dứt khiếu nại.

Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành nhiều văn bản trả lời, yêu cầu các hộ dân (trong đó có bà Sáu) chấm dứt khiếu nại vì không có tình tiết mới phát sinh, nhưng các hộ không chấp hành và chuyển sang gửi đơn tố cáo cán bộ nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh.

Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ra Thông báo 66, ngày 14-3-2017 về việc không thụ lý, giải quyết trường hợp tố cáo của bà Sáu và 7 hộ dân. Riêng đối với trường hợp của bà Ngô Thị Thu Lan, UBND tỉnh giải quyết trên cơ sở kiểm tra, rà soát và kết luận của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tóm lại, việc xin được hoán đổi và mua thêm nền tái định cư theo giá định của bà Sáu và các hộ dân là không có cơ sở để giải quyết. Việc giải tỏa, bồi thường Dự án, HĐBT không áp dụng thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư và không khấu trừ giá trị nền nhà tái định cư vào số tiền được bồi thường theo hướng có lợi cho người dân.

Về yêu cầu áp giá bồi thường theo thời điểm triển khai quyết định thu hồi đất (căn cứ Quyết định 63 của UBND tỉnh) là đúng quy định. Việc bà Sáu cùng một số hộ dân yêu cầu nâng giá đất ở từ 300 ngàn đồng lên 4 triệu đồng/m2 là không có cơ sở xem xét, vì khung giá này được áp dụng theo quy định của Nhà nước tại thời điểm…

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu 7 hộ dân (trong đó có hộ bà Sáu) chấm dứt khiếu nại vì đã được cấp bộ, ngành Trung ương thẩm tra, kết luận. Nay UBND tỉnh không thụ lý, giải quyết vì không có tình tiết mới phát sinh.

KẾT LUẬN CỦA BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG

Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười cho biết: Qua xem xét tại các cuộc thanh tra, kiểm tra trước đây, Thanh tra Chính phủ kết luận: Chưa phát hiện có vấn đề tiêu cực. Việc đền bù, bồi thường về giá đất các loại, giá xây dựng nhà ở và vật kiến trúc phù hợp với phương án bồi thường - “đặc biệt là có lợi cho người dân rất nhiều”. Riêng có một số hộ yêu cầu ra quyết định thu hồi đất tại thời điểm hiện nay là không cần thiết. Bởi vì, tại thời điểm thu hồi đất họ đã được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thỏa đáng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản 1603 gửi UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: “… Trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ vụ việc, trường hợp đã có đủ cơ sở khẳng định việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là đúng quy định của pháp luật tại thời điểm tính toán và các hộ dân đã nhận tiền thì thông báo cho người dân, không nhất thiết phải ban hành quyết định thu hồi đất”.

Từ kết quả trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra, rà soát lại các vụ khiếu nại theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Địa phương có kế hoạch lên danh sách theo dõi để chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các đối tượng lợi dụng việc khiếu nại nhằm gây rối, kích động, lôi kéo, yêu sách làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

TỔ CTBĐ

.
.
.