Xử lý kịp thời các vụ khiếu nại đông người ảnh hưởng đến ANTT
“... Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải tăng cường chỉ đạo giải quyết có hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác này được đặt thành một trong những chỉ tiêu thi đua kinh tế - xã hội năm 2020 của các huyện, thành, thị (viết tắt là cấp huyện). Các ngành chức năng và UBND cấp huyện rà soát lại một số vụ việc khiếu nại kéo dài mà cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương đã kết luận không có cơ sở xem xét, giải quyết, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự (ANTT)...”. Đây là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng tại Hội nghị sơ kết công tác tiếp dân, giải quyết KN-TC 6 tháng đầu năm 2020.
CHẤM DỨT THỤ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐÃ GIẢI QUYẾT ĐÚNG LUẬT
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hồ Văn Phúc cho biết, thực hiện Công văn 517 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết các vụ việc KN-TC phức tạp kéo dài, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 27, chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và UBND cấp huyện lập danh sách từng người, từng đoàn đã và đang đeo bám khiếu nại tại các cơ quan của tỉnh và Trung ương; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng phương án giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể của địa phương mình.
Đồng chí Lê Văn Hưởng tổ chức tiếp và lắng nghe ý kiến phản ánh của công dân. |
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tổng hợp, thông qua phương án giải quyết tổng thể nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại đông người. Thanh tra tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh ký kết Chương trình phối hợp trong việc tiếp công dân, giải quyết KN-TC của nông dân. Đến nay, đã có 11/11 UBND cấp huyện xây dựng phương án giải quyết và xây dựng kế hoạch kiểm tra tiếp công dân đột xuất đối với các đơn vị trực thuộc; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân; thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở theo Đề án 1-1133 của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành Kế hoạch 70 về tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật” trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có các quy định về tiếp công dân, giải quyết KN-TC.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp với đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp và làm việc với 41 hộ dân khiếu nại kéo dài liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (trong đó có 4 trường hợp được bồi thường bổ sung 1,29 tỷ đồng). Đối với Khu công nghiệp Long Giang, có 332 hộ được hỗ trợ với tổng số tiền trên 94 tỷ đồng.
Vận dụng chính sách hỗ trợ cho hộ bà Nguyễn Thị Quít (huyện Tân Phú Đông) 50 triệu đồng, giao cho bà Nguyễn Thị Kim Quyền (huyện Gò Công Tây) 2.000 m2 đất nông nghiệp và bà Cao Thị Bờ (TX. Gò Công) 4.854,3 m2 đất. Qua rà soát, UBND tỉnh thu hồi hủy bỏ các quyết định và xem xét, giải quyết lại 2 vụ của bà Nguyễn Thị Nhan (huyện Cai Lậy) và ông Trang Việt Phú (TP. Mỹ Tho); ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết các trường hợp khiếu nại kéo dài, không có tình tiết mới đối với các bà Võ Thị Hiền, Lê Thị Gặp, Võ Thị Út, Tạ Thị Oanh (huyện Gò Công Đông); Nguyễn Thị Bi, Huỳnh Thị Nô, Phan Thị Kim, Huỳnh Thị Vũ, Trần Thị Tư, Trần Thị Rớt (huyện Tân Phú Đông); Nguyễn Thị Kim Hoàng, Nguyễn Thị Hồng Điệp (TX. Gò Công); Ngô Thị Sáu, Lê Thị Mỹ (huyện Gò Công Tây); Nguyễn Thị Dẫn (TX. Cai Lậy); Lê Kim Em, Nguyễn Thị Sáu, Lê Thị Lang và bà Dương Thị Ánh (huyện Cái Bè)…
Tuy nhiên, hiện nay còn một số người dân mặc dù đã được các ngành, các cấp xem xét, giải quyết đúng luật định; một số vụ việc đang được Tổ Công tác của tỉnh và Trung ương rà soát, nhưng người dân vẫn tập trung đông người tại nhà riêng của lãnh đạo tỉnh, trụ sở cơ quan làm việc và đến các cơ quan cấp bộ, ngành Trung ương, mục đích gây áp lực lên các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, yêu cầu phải xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT.
CÔNG TÁC TIẾP DÂN GẮN VỚI GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NGAY TỪ CƠ SỞ
Để giải quyết dứt điểm các vụ KN-TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu, lãnh đạo các cấp, các ngành chú trọng công tác tiếp công dân gắn với giải quyết
KN-TC, kiến nghị, phản ánh ngay từ cơ sở. Tập trung giải quyết có hiệu quả đơn thư KN-TC mới phát sinh; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình KN-TC, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Tổ chức thực hiện tốt các kết luận giải quyết; xử lý vi phạm pháp luật KN-TC. Tuân thủ quy định về đối thoại, phát huy tối đa hiệu quả việc gặp gỡ, tiếp xúc, đặc biệt là đối với các vụ, việc khiếu kiện đông người. Đề cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể đối với công tác này.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ KN-TC phức tạp, tồn đọng, bức xúc kéo dài theo Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong xử lý các vụ KN-TC đông người, phức tạp để tạo sự thống nhất khi giải quyết. Triển khai Phương án giải quyết khiếu nại đông người của UBND tỉnh đối với từng vụ việc cụ thể, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc khiếu nại đông người.
Đối với những người lợi dụng quyền KN-TC có hành vi tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu kiện để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân; đưa tin sai sự thật về vụ việc KN-TC và giải quyết KN-TC sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
TỔ CTBĐ