.

Báo động tình trạng cố ý gây thương tích

Cập nhật: 09:56, 30/10/2020 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 106 vụ cố ý gây thương tích và 15 vụ giết người. Nguyên nhân xảy ra những vụ việc đau lòng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Đây thực sự là một báo động cần có giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa hiệu quả hơn.

Đơn cử là vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Người gây án là Phạm Ngọc Hải (sinh năm 1969, cư trú ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh). Hằng ngày, Hải thường uống rượu chung với 3 người bạn, có quan hệ họ hàng với Hải. Vào ngày 23-9, do mâu thuẫn trong lúc uống rượu, Hải đã đánh ông Nguyễn Văn Nhỏ (cư trú ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh) trọng thương phải chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị.

Công an xã làm việc với gia đình nạn nhân vụ anh giết em ruột tại ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.
Công an xã làm việc với gia đình nạn nhân vụ anh giết em ruột tại ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.

Còn Phạm Thanh Quới (sinh năm 1982, cư trú ấp An Lạc Thượng, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) thì bị Công an huyện Chợ Gạo bắt giam về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Vào đêm 8-8, Quới cùng anh Nguyễn Thanh Tuấn và một người bạn đi dự đám cưới, sau đó cả nhóm đến nhà ông Huỳnh Văn Sen (cư trú cùng ấp) để chơi đánh bài. Trong lúc đánh bài, Quới và Tuấn xảy ra mâu thuẫn. Quới đánh Tuấn bị thương và tử vong 2 ngày sau đó.

Đại úy Trần Văn Trung, Trưởng Công an xã Xuân Đông cho biết, Quới là đối tượng được Công an xã lưu tâm giáo dục. Tuy nhiên, những lần gặp gỡ, thái độ của Quới tỏ ra rất hòa nhã, hứa hẹn thay đổi. Nhưng, khi không có lực lượng Công an, Quới lại tỏ ra hung hăng, bắt nạt người khác. Điều này, mọi người xung quanh thường “bỏ qua”, không thông báo cho cơ quan chức năng nên chưa có biện pháp mạnh hơn. Cho đến lúc Quới gây hậu quả nghiêm trọng, những người xung quanh chứng kiến sự việc cho rằng mọi việc đều có thể giải quết nếu biết nhường nhịn. Giá như, người trong cuộc biết kiềm chế và bình tĩnh suy nghĩ để xử lý mâu thuẫn.

Một vụ án đau lòng khác là trường hợp đâm chết em ruột xảy ra tại ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Người gây án là Nguyễn Ngọc Châu (sinh năm 1965, cư trú ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh). Nhà Châu và nhà em ruột là Nguyễn Ngọc Sơn đối diện nhau, cách một con kinh. Châu và em ruột cùng đi đám giỗ tại ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh vào ngày 13-8, khi về Sơn tiếp tục tổ chức nhậu tại nhà. Khi nghe người anh lớn tiếng với vợ, Sơn can ngăn thì bị Châu dùng dao đâm em tử vong, sau đó tới Công an xã Đồng Thạnh đầu thú.

Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1970, cư trú ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cũng vừa bị Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người. Hoàng và con trai làm thuê cho một tàu đánh bắt hải sản xa bờ, do anh Huỳnh Văn Tài (ngụ khu phố Lăng 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm chủ. 2 tháng gần đây, ở trên tàu, cha con Hoàng và những người thuyền viên thường xuyên bị chủ tàu đánh, mắng. Bức xúc từ những mâu thuẫn ngấm ngầm, tích tụ lâu ngày, đến ngày 25-8, Hoàng đã dùng búa đánh anh Tài tử vong. Những ngày bị giam giữ, Hoàng tỏ ra ăn năn hối hận vì nông nổi, bộc phát của bản thân.

Để ngăn chặn tình trạng cố ý gây thương tích, giết người vì những mâu thuẫn nhỏ, bộc phát nhất thời trong cuộc sống; thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng gây án, cần có sự phối hợp tốt của các tổ chức, đoàn thể để kịp thời giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân, nhất là những mâu thuẫn trong thanh thiếu niên, không để xảy ra xung đột, đâm chém dẫn đến thương tích, chết người. Trong đó, quan trọng nhất là mỗi người phải biết tự kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn một cách có tình có lý. Mỗi gia đình cần quan tâm, giáo dục, quản lý chặt chẽ các thành viên trong gia đình để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

ĐẶNG THANH

.
.
.