.

Nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực với trẻ em

Cập nhật: 20:27, 19/10/2020 (GMT+7)

Ngày 19-10, tại Hà Nội, hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 (9-11), trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề “Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em” nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực với trẻ em.

Ảnh UNICEF cung cấp
Ảnh UNICEF cung cấp.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.

Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em đã quy định về 26 nhóm quyền của trẻ em cũng như khẳng định rõ ràng về trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em đã được pháp luật quy định.

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới công tác tổ chức thi hành pháp luật về trẻ em thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm quyền của trẻ em nói chung, trong đó có quyền được bảo vệ, phòng chống với mọi hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em. Gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện và tổ chức thi hành chính sách pháp luật về trẻ em, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác có quy định về bảo vệ trẻ em như Công ước quốc tế về Các Quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em. Các cam kết quốc tế này đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện trong hệ thống pháp luật

Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian qua là rất đáng ghi nhận, khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng, Việt Nam còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đề nghị nâng độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em từ 16 lên 18 tuổi, để phù hợp với Công ước Quyền trẻ em và bảo đảm rằng mọi trẻ em gái cũng như trai từ đủ 16 đến dưới 18, độ tuổi dễ bị xâm hại và bóc lột nhất, sẽ được hưởng sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ của Luật Trẻ em.

“Một nguyên tắc quan trọng là ‘không bỏ ai lại phía sau’. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải bảo đảm cung cấp thông tin cho những nhóm yếu thế, thiểu số, bao gồm trẻ em di cư, nhập cư, trẻ em khuyết tật, các em thuộc dân tộc ít người, trẻ em lang thang. Để làm được điều đó, chúng ta cần thay đổi thái độ và thực hành trong cộng đồng, cách chúng ta nói với trẻ em, thúc đẩy sự tôn trọng các em và coi các em là những công dân trong xã hội”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cần có cách tiếp cận liên ngành. Quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên và phương tiện truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng. Cần tập huấn về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại cho tất cả những cán bộ, những người làm việc với và vì trẻ em, bao gồm giáo viên, bác sĩ, y tá, luật sư, thẩm phán, công an, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, cán bộ quản giáo.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.