.

Xử lý nghiêm cán bộ xài bằng giả

Cập nhật: 08:47, 05/12/2020 (GMT+7)

Kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) cho thấy, Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có nhiều người “mua bằng” là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án. Vậy là bằng cấp giả đã, đang len lỏi trong đội ngũ cán bộ!

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không thể phủ nhận trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm tại ĐH Đông Đô. Do đó, cần xử lý nghiêm những người có liên quan. Đối với những cá nhân sử dụng văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô để đạt điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc sử dụng vào mục đích hợp lý hóa hồ sơ cán bộ cũng cần phải xử lý thật nghiêm khắc, thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Cơ quan chức năng cần rà soát, phân loại những trường hợp liên quan để xử lý triệt để.

Vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là một bài học cho toàn ngành, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Các trường ĐH tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, còn cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát, không thể để mặc các trường muốn làm gì thì làm, cũng không thể cứ để tái diễn tình trạng cơ quan quản lý chỉ kiểm tra, xử lý khi “sự việc đã rồi”, trong khi bằng giả đang dần trở thành phương tiện để một số cá nhân sử dụng trong công cuộc thăng tiến sự nghiệp.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua ngành công an đã triệt phá hàng trăm vụ sản xuất giấy tờ, văn bằng chứng chỉ giả. Có những vụ thu đến 1.500 các mẫu dấu, các công cụ máy móc phục vụ cho việc làm tài liệu, con dấu giả. Hầu hết các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học đều được “mua bán”. Đại tướng Tô Lâm khẳng định, ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả. Tuy nhiên đối với cán bộ, công chức dùng những văn bằng, chứng chỉ giả, lâu nay chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính, vì vậy đã đến lúc cần phải xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe.

Bên cạnh đó, cần xử lý triệt để nạn “học giả nhưng bằng thật”. Chủ nhân của những tấm bằng này là những cán bộ, công chức tham gia những khóa học, chương trình đào tạo, thậm chí cả nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng chỉ đến để “đánh trống ghi tên”, còn việc học đã có… người khác lo. Khi mọi sự trót lọt, những cá nhân ấy có thể trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội, đó là mối nguy hại lớn cho đất nước. Để dẹp bỏ vấn nạn bằng giả, “học giả”, chỉ trông chờ vào trách nhiệm minh bạch, giải trình của cơ sở đào tạo là chưa đủ, cái gốc là phải siết lại cách thức đào tạo hiện nay.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.