.

Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Cập nhật: 19:50, 19/05/2021 (GMT+7)

(ABO) UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Công văn 2310 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:

1. Tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Các cấp, các ngành cần phải xác định công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài cùng với việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện nghiêm túc Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ được giao phụ trách, quản lý địa bàn để tội phạm hoạt động lộng hành, trật tự an toàn xã hội phức tạp, kéo dài, gây bức xúc dư luận.

2. Thường xuyên rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương bổ sung, sửa đổi các cơ chế chính sách, quy định liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo hướng phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao để góp phần thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

3. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảm đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội bằng nhiều hình thức, biện pháp thích hợp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo tốt tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm ra quân, tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm; thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tổ chức rà soát, xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông để chuyển hóa thành địa bàn không có hoặc giảm tội phạm, tai nạn giao thông đến mức thấp nhất. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án…

5. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn quản lý, không để tình hình trật tự xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phức tạp tình hình trật tự an toàn xã hội…

Địa phương nào để tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật phức tạp, nhất là tình hình hoạt động băng nhóm, bảo kê, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, người nghiện ma túy tăng, tệ nạn cờ bạc hoạt động phức tạp, tụ tập đua xe trái phép gây bức xúc trong dư luận xã hội thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đó chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

6. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp lực lượng công an thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các đoàn thể tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn này. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh tổng hợp) chỉ đạo giải quyết.

HÀ ANH


 

.
.
.