.

Các phương tiện nào được hoạt động khi Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 16

Cập nhật: 14:41, 12/07/2021 (GMT+7)

(ABO) Các dịch vụ vận chuyển bằng xe máy, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn được phép hoạt động trong thời gian tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, kể từ 00 giờ ngày 12-7-2021 để phòng, chống Covid-19.

Các phương tiện đều được kiểm tra khi qua chốt kiểm soát.
Các phương tiện đều được kiểm tra khi qua chốt kiểm soát.

Trong thời gian này, tỉnh Tiền Giang tạm ngưng các hình thức vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh bằng xe ô tô, bao gồm: Xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch. Hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân; trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Đối với xe taxi chỉ được phép hoạt động trong phạm vi địa bàn tỉnh Tiền Giang phục vụ vận chuyển người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.

Đặc biệt, đối với xe đưa đón công nhân, chuyên gia khi hoạt động phải đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Riêng trường hợp xe đưa đón công nhân, chuyên gia làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp ngoài địa bàn tỉnh Tiền Giang, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định. Phương tiện phải được khử khuẩn; thực hiện lập và lưu trữ danh sách công nhân, chuyên gia (họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, nơi làm việc...) theo từng chuyến đi.

Các đơn vị vận tải, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp bảo đảm cố định hành trình hoạt động của phương tiện; công nhân, chuyên gia chỉ sử dụng cố định một phương tiện vận chuyển cho cả chiều đi và chiều về (không thay đổi phương tiện vận chuyển nếu không có lý do đặc biệt); cố định vị trí người ngồi trên phương tiện để bảo đảm công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia từ Tiền Giang đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại thực hiện theo quy định của Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 để không ùn ứ tại các trạm, chốt kiểm soát.

Hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy chỉ được phép hoạt động nhưng phải bảo đảm các yêu cầu lái xe luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển, mua, nhận sản phẩm và giao cho khách hàng (giữ khoảng cách tối thiểu 2 m trong quá trình giao, nhận sản phẩm); thực hiện các quy định về khai báo y tế. Và các đơn vị cung ứng dịch vụ lập và lưu trữ danh sách phương tiện, lái xe, khách đặt hàng, tuyến đường và các địa điểm giao, nhận hàng trong quá trình di chuyển… để cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền kịp thời truy vết khi có yêu cầu.

Đối với đường thủy hoạt động vận tải hành khách, tỉnh Tiền Giang tạm ngưng hoạt động các bến khách ngang sông, bến phà, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh (trừ các bến nội tỉnh sau: Bến Bình Ninh - Tân Thới, bến Tân Long, bến Tân Phú - Tân Thạnh thuộc huyện Tân Phú Đông; bến phường 1 - Tân Long thuộc TP. Mỹ Tho; bến Hiệp Đức - Tân Phong, bến Tam Bình - Bình Chánh Đông, bến Hòa An - Tân Hòa thuộc huyện Cai Lậy).

Còn việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển trên địa bàn tỉnh, tất cả thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ. Còn đối với các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, tất cả thuyền trưởng và thuyền viên hạn chế lên bờ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo quy định (trường hợp phải giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cử 1 người đại diện làm thủ tục tại Cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (PCR hoặc test nhanh) được cơ quan có thẩm quyền cấp. Thuyền trưởng phải cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện, thuyền viên, hành trình... cho chủ cảng, bến thủy nội địa để lưu trữ phục vụ truy vết khi có yêu cầu.

Và tất cả các trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quyết định.

HOÀNG LONG

.
.
.