.

Siết chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới

Cập nhật: 14:56, 23/07/2021 (GMT+7)

 

Hai nền tảng Facebook và Google chiếm 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, sẽ phải đóng thuế từ 15/9.
Hai nền tảng Facebook và Google chiếm 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, sẽ phải đóng thuế từ 15-9.

Từ ngày 15-9 tới, các nền tảng xuyên biên giới như: Facebook, Google, Youtube…buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đây là một trong những nội dung mới của Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo do Chính phủ vừa ban hành, nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Dày đặc vi phạm

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện tràn lan các quảng cáo sai phạm trên không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới như: Facebook, Google, Youtube. Theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, từ đầu năm 2018 đến tháng 6-2021, Facebook đã thực hiên chặn, gỡ 330 fanpages liên quan đến quảng cáo game cờ bạc, game đổi thưởng trên Facebook; Gỡ bỏ 72 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật liệu gây nổ.

Cùng với Facebook, nền tảng Google cũng đã thực hiện ngăn chặn 130 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã nằm trong danh sách được bảo vệ; 500 video quảng cáo, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu gây nổ. Ngoài ra, trong năm 2021, các đơn vị chức năng cũng đã xử lý, ngăn chặn hơn 1.000 trang tin điện tử vi phạm, đăng tải các nội dung quảng cáo phản cảm, tiêu cực.

Tuy nhiên, những con số thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chưa cho thấy hết mức độ và tính chất phức tạp, khó lường của hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Các loại quảng cáo xuất hiện phổ biến gồm: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc đông y chữa bách bệnh…Thậm chí, cả những quảng cáo trá hình các game cờ bạc, cá độ bóng đá, tín dụng đen, vũ khí…cũng tràn lan, khó kiểm soát. Truy cập Facebook, Google, chỉ cần gõ các từ khóa như: súng hơi, pháo nổ, vũ khí, bóng cười... sẽ cho ra hàng nghìn kết quả chỉ trong vài giây.

Từ đây, có thể dễ dàng tìm được hàng nghìn địa chỉ, fanpage công khai chào bán các mặt hàng “quốc cấm” này. Không chỉ thế, những quảng cáo các loại thuốc với những lời hứa hẹn viển vông như: “chữa  khỏi 100%”, “điều trị tận gốc”… xuất hiện vô tội vạ trên các nền tảng trực tuyến khiến người xem như rơi vào ma trận. Đáng nói là những quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức đã gây ra những hậu quả khôn lường. Bằng chứng là có không ít trường hợp bị đau bụng dữ dội, phải nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng. Thậm chí, có người còn tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) được mua qua mạng.

Mạnh tay chấn chỉnh, xử lý

Thời đại 4.0, mọi thứ đều chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ số, quảng cáo không phải là ngoại lệ. Doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam tăng đều qua mỗi năm. Trong đó, theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hai “ông lớn” Facebook và Google nắm trong tay 80% doanh thu. Nghịch lý là các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới đã và đang thu lợi khủng tại Việt Nam nhưng lại không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các sai phạm vẫn xảy ra mặc dù các cơ quan chức năng đã không ít lần mạnh tay rà soát và xử lý. Bộ TT&TT đã nhiều lần yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm cũng như yêu cầu hai nền tảng xuyên biên giới này thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo. Đồng thời, lỗ hổng từ các quy định của pháp luật đã khiến các nền tảng xuyên biên giới có “cơ sở” để “lách luật”.

Trong bối cảnh này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Nghị định mới được xây dựng và ban hành theo đề xuất của Bộ TT&TT nhằm siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook khi các nền tảng này đang chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam.

Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới cần thông báo tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở, địa chỉ đặt máy chủ hoặc đầu mối liên hệ tại Việt Nam 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận  trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.

Đặc biệt, các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể, sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm. Nếu không xử lý đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Với nhiều quy định mới, có “sức nặng”, Nghị định được kỳ vọng sẽ siết chặt hoạt động quảng cáo dày đặc các sai phạm trên các nền tảng xuyên biên giới hiện nay, góp phần làm lành mạnh môi trường mạng.

(Theo nhandan.vn)
 

.
.
.