.

Công an Tiền Giang tìm bị hại trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng

Cập nhật: 20:09, 05/09/2021 (GMT+7)

(ABO) Một lúc “sắm” 2 vai là người mua và người bán, sử dụng thuê bao di động hoặc mạng xã hội Zalo để gọi, nhắn tin đến các ông chủ cơ sở kinh doanh gạo để trao đổi, thực hiện giao dịch mua bán, các đối tượng lừa đảo đã khiến một số người sập bẫy, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

THỦ ĐOẠN TINH VI

Duy tại cơ quan Công an.
Duy tại cơ quan Công an.

Ông N.H.C., sinh sống trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những nạn nhân bị lừa đảo. Ông C. mua bán lúa gạo ở vùng Cái Bè, Cai Lậy đã nhiều năm nay.

Vào ngày 27-5-2021, có 1 người đàn ông gọi vào điện thoại di động của ông C., tự giới thiệu tên là Toàn và nói có 150 tấn gạo cần bán. Giá bán gạo của Toàn thấp hơn so với giá gạo chung trên thị trường. Ông C. đồng ý mua ngay và yêu cầu Toàn đem gạo tới 1 kho chứa tại huyện Cái Bè.

Sáng ngày 28-5, có 3 container chở 150 tấn gạo đến kho chứa như đã hẹn. Sau khi kiểm tra, xác định đúng loại gạo cần mua nên ông C. đã thực hiện theo yêu cầu của Toàn, chuyển 600 triệu đồng vào 1 tài khoản ngân hàng do Toàn cung cấp trước khi đem gạo vào kho.

Tiền chuyển đi xong, tài xế không đồng ý giao gạo với lý do “ông chủ chưa nhận được tiền”. Ông C. gọi cho “ông chủ” thì gặp ngay người bạn kinh doanh cùng mặt hàng.

Khánh tại cơ quan Công an.
Khánh tại cơ quan Công an.

Mọi chuyện mới vỡ ra, đúng vào ngày 27-5, có người tên Toàn gọi điện thoại đặt mua 150 tấn gạo. Khi nào gạo đến kho sẽ trả tiền.

Toàn yêu cầu giao gạo tại huyện Cái Bè, đúng địa chỉ mà ông C. yêu cầu. Lúc này, ông C. gọi điện thoại cho Toàn thì thuê bao đã khóa, Zalo không nhận tin nhắn. Vụ việc được ông C. trình báo Công an.

Cùng với thủ đoạn vừa gọi điện thoại đặt mua hàng, vừa chào bán hàng, vào ngày 2-7-2021, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt 531 triệu đồng của ông N.T.T., cư trú xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Địa điểm giao, nhận hàng là 1 kho chứa gạo trên địa bàn huyện Cái Bè.

LẬP ÁN, BẮT TỘI PHẠM

Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương xác minh, đấu tranh, truy bắt các đối tượng.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định Huỳnh Hòa Khánh và Đỗ Trần Phương Duy đã sử dụng 4 tài khoản giao dịch gồm:
 
1. Tài khoản số 6911205074273 ngân hàng Agribank mang tên HUYNH HOA KHANH.
 
2. Tài khoản số 109873393269 ngân hàng VietinBank mang tên HUYNH HOA KHANH.
 
3. Tài khoản số 070118110887 ngân hàng Sacombank mang tên HUYNH HOA KHANH.
 
4. Tài khoản số 070099662296 ngân hàng Sacombank mang tên DO TRAN PHUONG DUY.
 
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang thông báo tìm bị hại. Đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện thông tin liên quan, cần nhanh chóng cung cấp cho Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tiền Giang, số 782 ấp Tân Tỉnh B, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Điều tra viên Nguyễn Thanh Phong, số điện thoại: 0913684113.
 

Cái khó khi bắt đầu phá án là các đối tượng đã không sinh sống tại nơi đăng ký thường trú từ 2 năm trước.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án đã tìm ra địa điểm ẩn náu của các đối tượng tại 1 khu vực hẻo lánh thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.  

Sau khi xác định chính xác nơi ở của các đối tượng, khoảng 14 giờ 50 phút ngày 17-8-2021, lực lượng phá án phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh lần lượt bắt giữ Huỳnh Hòa Khánh, sinh năm 1974, cư trú xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và Đỗ Trần Phương Duy, sinh năm 1993, cư trú xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Khám xét nơi thuê trọ của 2 đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ nhiều trang sức bằng vàng, 4 điện thoại di động, 4 sim điện thoại, 8 thẻ ATM, 26 triệu đồng và nhiều tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Khánh và Duy đã nhận tội và khai, do cờ bạc dẫn đến nợ nần nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì đã từng mua bán gạo nên biết được những “quy ước” trong nghề. Duy cùng với anh rể là Khánh mở 4 tài khoản ngân hàng.

Duy tìm số điện thoại của các chủ cơ sở kinh doanh gạo để liên lạc “chào hàng bán gạo”. Chào bán thành công, Duy tiếp tục tìm chủ cơ sở kinh doanh gạo khác để hỏi mua rồi hẹn điểm để “bên bán” đem giao hàng cho “bên mua” còn tiền thì chuyển vào tài khoản của Duy. Xong “giao dịch”, Duy tắt điện thoại di động và khóa tài khoản Zalo.

CẢNH BÁO

Với thủ đoạn trên, từ tháng 8-2020, các đối tượng đã thực hiện 14 vụ, chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng của các nạn nhân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Duy và Khánh đã lợi dụng sơ hở trong giao dịch thông qua điện thoại di động, tài khoản Zalo và thanh toán qua tài khoản ngân hàng có đăng ký sử dụng InternetBanking, 2 đối tượng đã sắp đặt việc giao nhận hàng để giăng bẫy các chủ cơ sở kinh doanh.

Trung úy Trần Văn Tây, điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tiền Giang trực tiếp thụ lý vụ án có những khuyến cáo với người dân, nhất là đối với các doanh nghiệp: “Phải đề cao cảnh giác, tìm hiểu thông tin về các thủ đoạn lừa đảo, truy cập trang Zalo, Cổng thông tin điện tử “Công an Tiền Giang” để cập nhật kiến thức cơ bản về pháp luật, các phương thức thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để phòng ngừa.

Với các giao dịch lớn, trước khi chuyển tiền, có nhiều cách để kiểm tra thông tin như: Gọi video, kiểm tra thông tin từ người vận chuyển…, nhất là phải thận trọng trước những lời chào hàng giá thấp hơn thị trường một cách bất thường.”

                                                                                            LÊ HOÀI

.
.
.