Nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo mùa dịch
Lợi dụng sự cả tin của người dùng cùng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch, nhiều đối tượng đã giả mạo các app ví điện tử, nhân viên bệnh viện, ngân hàng... để thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi lấy tiền.
Những ngày gần đây, nhiều người nhận được email về “GÓI HỖ TRỢ COVID - CHUNG TAY VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH” được đại diện bởi các app ứng dụng, ngân hàng... Ngày 14-9, đại diện ví điện tử MoMo đã gửi mail thông báo khẳng định không có chương trình trên, đồng thời khuyến cáo người dùng không đăng nhập link lạ từ các nguồn không tin cậy. Đặc biệt, nâng cao cảnh giác để bảo vệ chính mình và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai.
Đại diện MoMo cảnh báo về thông tin lừa đảo trên mạng. |
Theo MoMo, mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là lấy thông tin gồm mật khẩu và mã OTP để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử. Ngoài ra, với các thông tin cá nhân có được, các đối tượng lừa đảo có thể dùng để vay tiền tại các tổ chức và các ứng dụng khác. Khi đó, người dùng bị lấy cắp thông tin cá nhân sẽ phải “gánh” khoản nợ của các đối tượng lừa đảo.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã có cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng nhận gói hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhằm chiếm đoạt tài khoản. Theo Vietcombank, đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Đường link dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Vietcombank khẳng định không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức như trên, khách hàng liên hệ với số tổng đài của ngân hàng để được hỗ trợ hoặc thông báo cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn để phối hợp với cơ quan thẩm quyền ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Không chỉ lừa đảo qua hình thức cứu trợ, nhiều đối tượng còn giả danh nhân viên bệnh viện dã chiến để chiếm đoạt tiền và tài sản người dân. Cụ thể trong tháng 8, nhóm Giúp nhau mùa dịch trên Facebook xuất hiện một dòng cầu cứu rất thảm thiết: "Làm ơn cho em hỏi có bác sĩ nào đang làm ở Bệnh viện dã chiến số 8 ở Thủ Đức không ạ, giúp em với. Hôm qua có bác sĩ điện thoại báo là mẹ em đã đứng tim, nguy cơ tử vong rất cao, báo cho người nhà biết để nắm rõ tình hình. Sáng giờ em liên lạc về trên đó không được ạ, mong các bác sĩ giúp em với ạ. Do em mới mất ba cũng vì nhiễm, nhà rất rối cho nên em không muốn mất thêm mẹ, cầu mong mọi người giúp em với ạ. Mẹ em tên là...".
Đọc được lời cầu cứu thương tâm trên, hàng trăm Facebooker đã hỏi thăm, chia sẻ tìm cách giúp đỡ. Trong mớ thông tin hỗn loạn, người nhà bệnh nhân hiện đang thất nghiệp, rất lo lắng khi có người xưng là nhân viên bệnh viện kêu đóng 8 triệu đồng tiền viện phí.
Đại diện Bệnh viện dã chiến số 8 cho biết, rất may là bệnh viện đã phát hiện kịp thời, liên hệ với người nhà thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân và cảnh báo đến người nhà không rơi vào bẫy lừa đảo. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 8 cũng cho biết, bệnh nhân và gia đình không phải đóng bất kỳ một khoản chi phí nào cho bệnh viện.
Không chỉ thế, mới đây Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có thông tin cảnh báo thủ đoạn giả mạo trang thông tin điện tử (website) của Bộ Y tế để lừa đảo trợ cấp COVID-19. Cụ thể, đối tượng xấu lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua 2 tên miền là “honapply.vn” và “miniboon.vn."
Mặt khác, tranh thủ lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều kẻ xấu còn giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục bảo hộ đến nhà phát "thuốc diệt khuẩn" để lừa đảo, thu tiền của người dân hoặc bán hàng gian hàng giả, tìm sơ hở để trộm tài sản.
Cụ thể, cuối tháng 7 vừa qua, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an TP Thủ Đức đã bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) để điều tra về hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phụng đã đăng tải trên facebook, zalo... các nội dung: cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để làm giấy thông hành đi qua các trạm kiểm soát dịch (600.000 đồng/tờ); đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); các loại dược phẩm để chữa trị khi nhiễm COVID-19; bán hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu... Sau khi các nạn nhân chuyển tiền thì Phụng chặn liên lạc để chiếm đoạt...
Theo đó, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân cảnh giác, đề phòng, không tin những thông tin quảng cáo chưa được xác thực hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người khác. Đại diện các ví điện tử, ngân hàng cũng khuyến cáo, để bảo vệ tài khoản cá nhân, người dùng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai (kể cả bạn bè, người thân); tuyệt đối không click vào link lạ; liên hệ ngay với ngân hàng, ví điện tử nếu có dấu hiệu nghi ngờ để được hỗ trợ và xác thực thông tin.
(Theo https://baotintuc.vn/phap-luat/nang-cao-canh-giac-voi-cac-chieu-tro-lua-dao-mua-dich-20210915094757109.htm)