Thứ Tư, 01/09/2021, 10:40 (GMT+7)
.
THƯỢNG TÁ LÊ THANH LONG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH - CÔNG AN TỈNH TIỀN GIANG:

Không chủ quan với "giặc lửa" trong mùa dịch

 

Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 22 vụ cháy, tổng thiệt hại về tài sản gần 6,5 tỷ đồng. Điển hình vào ngày 11-8, xảy ra vụ cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke Nice (đường Hồ Văn Nhánh, phường 10, TP. Mỹ Tho) làm thiệt hại về tài sản khoảng 495 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do hệ thống dây dẫn điện vào bộ phận làm lạnh của máy điều hòa xảy ra sự cố chập điện.

Hay mới đây, vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 19-8, xảy ra vụ cháy nhà dân trên đường Đống Đa, phường 4, TP. Mỹ Tho. Tài sản thiệt hại ước tính khoảng 30 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu do sự cố điện tại quạt máy của gia đình.

Để chủ động và đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian giãn cách xã hội, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Thanh Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Để đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị có những khuyến cáo gì?

* Thượng tá Lê Thanh Long: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất nhanh và phức tạp, số ca bị lây nhiễm gia tăng; đồng thời, trên địa bàn tỉnh đang triển khai cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, do đó, cơ quan chuyên môn không thực hiện kiểm tra công tác PCCC theo quy định. Mặt khác, các doanh nghiệp, trường học tạm dừng hoạt động, một số đơn vị thực hiện “3 tại chỗ”.

Để đảm bảo an toàn công tác PCCC trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng kế hoạch và có khuyến cáo đến các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, có việc đề nghị người đứng đầu cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra, duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH thuộc phạm vi quản lý; nhất là quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ; không tích trữ các loại hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là xăng dầu, khí đốt hóa lỏng tại cơ sở để chủ động công tác PCCC.

Đồng thời, đảm bảo chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành. Đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên duy trì vận hành, kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện PCCC (như hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà và ngoài nhà, phương tiện chữa cháy xách tay…) được trang bị. Song song đó, đơn vị, doanh nghiệp phải duy trì đảm bảo các điều kiện hoạt động của hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ công tác PCCC và CNCH.

* PV: Đối với các bệnh viện dã chiến, khu điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19, đơn vị có khuyến cáo như thế nào để đảm bảo an toàn PCCC?

* Thượng tá Lê Thanh Long: Đối với bệnh nhân và thân nhân trong bệnh viện dã chiến, khu điều trị không tự ý sử dụng điện, sử dụng hệ thống khí oxy, bình oxy khi chưa được phép sử dụng của lực lượng chăm sóc y tế tại chỗ; không sử dụng nguồn phát sinh lửa, sinh nhiệt, đun nấu trong phòng, tại nơi điều trị. Bên cạnh đó, không tự ý sử dụng các phương tiện PCCC, các nút ấn báo cháy khẩn cấp khi không có sự cố cháy, nổ… sẽ gây hoang mang, hoảng loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân đang điều trị.

Song song đó, bệnh nhân và thân nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác và khuyến cáo mọi người đảm bảo an toàn PCCC; nhanh chóng hô hoán, thông báo cho mọi người biết khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; cùng tham gia chữa cháy khi có thể và phải đảm bảo việc phòng, ngừa Covid-19; không tập trung xem, tụ tập đông người sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Vụ cháy xảy ra trên đường Đống Đa, phường 4, TP. Mỹ Tho. Ảnh: TUẤN LÂM
Vụ cháy xảy ra trên đường Đống Đa, phường 4, TP. Mỹ Tho. Ảnh: TUẤN LÂM

Đối với các bệnh viện dã chiến, khu điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cơ sở khám, chữa bệnh, cách ly tập trung và cơ sở được sử dụng làm nơi cách ly phải chủ động, thường xuyên tự kiểm tra, duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH thuộc phạm vi quản lý; nhất là quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, không tích trữ các hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là xăng dầu, khí đốt hóa lỏng tại cơ sở.

Lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cách ly tập trung và cơ sở được sử dụng làm nơi cách ly phải chuẩn bị đầy đủ và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy và CNCH ban đầu như bình chữa cháy xách tay, búa rìu phá dỡ.

Đối với nhân viên y tế, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ; thường xuyên kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn khi tồn trữ, sử dụng hệ thống máy thở, bình oxy khí thở; hướng dẫn, bố trí bệnh nhân, thân nhân việc sử dụng điện và các thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt an toàn.

Vận chuyển nông sản hỗ trợ người dân khu vực bị phong tỏa, cách ly

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vừa hỗ trợ vận chuyển gần 6 tấn nông sản (rau, củ, quả) đến người dân các khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Cụ thể, đơn vị phối hợp đơn vị xã, phường trên địa bàn TP. Mỹ Tho chuyển 6 tấn nông sản đến các khu vực bị phong tỏa, cách ly tại 7 khu phố thuộc phường 1, 3, 5, 6 và ấp 1 của xã Đạo Thạnh. Số nông sản này trị giá 10 triệu đồng do cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Trần Hưng Đạo - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Mỹ Tho, Công ty Thiết kế thi công thiết bị PCCC T35 (địa chỉ tại phường 6, TP. Mỹ Tho), gia đình chị T. và anh A. (địa chỉ phường 5, TP. Mỹ Tho) hỗ trợ kinh phí mua cung cấp cho người dân trong các khu vực phong tỏa, cách ly.

TUẤN LÂM

Đối với hộ gia đình trong khu vực phong tỏa, người dân thường xuyên kiểm tra và kịp thời thay thế các đường dây điện và hệ thống, thiết bị điện bị rò rỉ điện hoặc hư hỏng; thực hiện nghiêm quy định về an toàn sử dụng điện; không tàng trữ các chất dễ bắt cháy như xăng, dầu trong khu vực cách ly.

Mỗi nhà nên trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và khoảng cách di chuyển đến bình chữa cháy không quá 20 m; cần chuẩn bị sẵn phương án thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Khi xảy ra cháy, người dân cần báo động, ngắt điện, sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và gọi 114 (chỉ nhấn số 114 từ điện thoại di động hoặc điện thoại bàn và không cần nhấn thêm bất kỳ đầu số nào).

* PV: Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị có những phương án xử lý tình huống như thế nào khi xảy ra cháy, nổ?

* Thượng tá Lê Thanh Long: Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cách ly tập trung và cơ sở được sử dụng làm nơi cách ly. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh đã tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quân số trực 100%, sẵn sàng đến hiện trường chữa cháy và CNCH khi có bất cứ sự cố cháy, nổ, sự cố, tai nạn nào xảy ra, trên nguyên tắc vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch vừa đảm bảo công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!

V. THẢO - M. LUÂN

(Thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.