Bảo vệ "vùng xanh" trên không gian mạng
Cán bộ Phòng 3 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tác nghiệp trên không gian mạng. |
Bài 2: Chủ quyền quốc gia và giá trị nhân bản
Bài 1: “Lỗ hổng” xuyên biên giới
Trước cái xấu, cái ác len lỏi, Việt Nam và nhiều quốc gia đã kiên quyết áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm tăng cường bảo vệ “vùng xanh” không gian mạng. Thực tế trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp nhằm siết chặt quản lý đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Ngày 28-5-2020, khi đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh về truyền thông xã hội nhằm yêu cầu đánh giá lại Điều 230 của Đạo Luật thông tin truyền thông - đạo luật đang bảo vệ các mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý từ nội dung mà người dùng đăng tải. Theo đó, ông Trump hướng đến việc đưa ra luật có thể loại bỏ hoặc làm suy yếu luật bảo vệ các công ty mạng xã hội như: Twitter, Facebook, Google, nhằm “chỉnh đốn” lại các trang mạng xã hội này do việc lạm dụng quyền “kiểm duyệt, hạn chế, sửa đổi, định hướng, che giấu và ngăn chặn” việc truyền tải thông tin giữa các cá nhân, tổ chức.
Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google… phải sửa đổi các điều khoản sử dụng dịch vụ phù hợp với Luật bảo vệ người tiêu dùng châu Âu cũng như truy quét thông tin xấu và tạo một địa chỉ liên lạc dành riêng để các cơ quan chuyên trách cảnh báo về thông tin giả mạo. Ngày 22-7-2021, Nga đã phạt Facebook 6 triệu ruble và ứng dụng Telegram 11 triệu ruble, vì hai hãng này không xóa những nội dung mà Nga cho là bất hợp pháp. Trước đó, Nga đã phạt Google vì không xóa nội dung bị cấm tại Nga và phản đối việc Google khóa một số tài khoản YouTube của phương tiện truyền thông, hoặc nhân vật có quan điểm ủng hộ Nga; phạt Twitter bằng biện pháp giảm tốc độ đường truyền.
Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google... xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ tin giả. Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), những tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Google, TikTok, Apple… luôn tự đặt những luật lệ, quy định riêng dưới tên gọi là “Tiêu chuẩn cộng đồng” và cho rằng “Tiêu chuẩn cộng đồng” là quan trọng nhất.
Từ năm 2017, chúng ta chính thức tiếp xúc, đàm phán và đấu tranh để các tập đoàn nêu trên thực thi đúng pháp luật Việt Nam và họ đã thay đổi dần. Đến nay, các trang mạng xã hội cơ bản đã chấp nhận, đồng ý tuân theo pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam, khi thực hiện các yêu cầu ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam. Đây được xem là bước chuyển cực kỳ quan trọng. Nếu như trước đây, Facebook chỉ đáp ứng yêu cầu xử lý khoảng 20% lượng thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, khoảng 70% lượng thông tin về vấn đề dân sự (như mạo danh, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…) thì đến năm 2020, tỷ lệ này lần lượt là 90% và gần 100%.
Do tính chất xuyên biên giới của các nền tảng ứng dụng cho nên phát sinh yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật các nước phải hợp tác quốc tế trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nắm bắt được điều này, Bộ Công an cũng đã thúc đẩy đàm phán, ký và triển khai nhiều văn bản hợp tác với các đối tác nước ngoài trong bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao như hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế (6-9-2018); thỏa thuận chương trình an ninh Chính phủ giữa Bộ Công an Việt Nam và Tập đoàn Microsoft (19-12-2019); bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an và Công ty TNHH Microsoft Việt Nam (19-12-2019); bản ghi nhớ hợp tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an Việt Nam và Cục Bảo vệ an ninh mạng, Bộ Công an Trung Quốc (18-2-2021).
Để bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng, theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hải Phòng), chúng ta cần phải làm tốt công tác nắm địa bàn, công tác quản lý hành chính, đặc biệt là công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, tạm trú trên địa bàn, công tác bảo đảm an ninh lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.
Lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngoài nắm chắc yêu cầu chính trị, hiểu biết sâu về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ còn phải am hiểu về khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Lực lượng này cũng phải được trang bị những thiết bị, công cụ kỹ thuật chuyên dụng, vừa có khả năng giải quyết tốt yêu cầu kỹ thuật, vừa có khả năng khai thác thành tựu khoa học kỹ thuật trong hoạt động nghiệp vụ.
Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm, cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân; thông báo cho người dân về nguy cơ, rủi ro mất toàn bộ số tiền đầu tư khi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch, dự án tiền ảo, các ứng dụng kiếm tiền trên không gian mạng không rõ nguồn gốc, không được cấp phép, thiếu cơ sở pháp lý hoạt động tại Việt Nam như: sàn Itrade, Busstrade, dự án tiền ảo Robomine, ứng dụng Auto Ads...
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc lợi dụng các nền tảng xuyên biên giới để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng chống phá sẽ triệt để lợi dụng công cụ này để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; thậm chí có những đối tượng cực đoan còn sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ, huấn luyện các phần tử cốt cán trong nội địa, hướng dẫn chế tạo và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép... Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam để áp dụng giải pháp phù hợp, đồng bộ, hiệu quả. Một mặt, nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để quản lý hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới và các ứng dụng OTT.
Mặt khác, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế thông qua thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, cơ chế phối hợp... với các quốc gia, các đối tác, đặc biệt là các tập đoàn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và hướng tới cân bằng lợi ích giữa các bên; thống nhất nhận thức và hành động của các quốc gia, trước hết là trong ASEAN đối với vấn đề an ninh mạng, tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung, tạo thuận lợi cho việc phối hợp, hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng...
(Theo nhandan.vn)