Xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh và nhóm "Báo Sạch"
Ngày 26-10, TAND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cùng các bị cáo nhóm “Báo Sạch” là Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng), Lê Thế Thắng (39 tuổi, ngụ TP Hà Nội); Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi) và Đoàn Kiên Giang (36 tuổi, cùng ngụ TPHCM).
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Các bị cáo cùng bị xét xử về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (khung hình phạt từ 2-7 năm tù).
Cáo trạng quy kết các bài viết này có nội dung đả kích các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, công tác bố trí cán bộ tại địa phương; công tác thực thi pháp luật của cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như bôi nhọ, xúc phạm đến cá nhân một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đồng thời, cáo buộc 5 bị cáo đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai lên mạng xã hội để hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật.
Theo cáo trạng vào tháng 3-2020, Trương Châu Hữu Danh đến gặp một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thới Lai (TP Cần Thơ) và xưng là nhà báo đến thu thập thông tin để viết tin bài bảo vệ quyền và lợi ích cho bà con. Cáo trạng xác định lợi dụng lúc người dân có bức xúc do bị ảnh hưởng dự án, Trương Châu Hữu Danh đã viết 32 bài và 29 clip đăng công khai trên trang Facebook cá nhân và Fanpage Trương Châu Hữu Danh.
Theo kết quả giám định của cơ quan chức năng TP Cần Thơ, những bài viết, video do Trương Châu Hữu Danh thực hiện làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý nhà nước tại địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về tư tưởng, lòng tin trong nhân dân, tạo sự bất ổn trong xã hội…
Hành vi của Trương Châu Hữu Danh còn làm mất uy tín, danh dự, nhân phẩm của các lãnh đạo cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Làm mất sự tin tưởng của người dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền tại địa phương…
Ngoài ra, Trương Châu Hữu Danh còn viết và đăng trên Facebook 49 bài có liên quan đến các tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương khác, thu hút rất nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ.
Ngoài ra, tháng 8-2019, Trương Châu Hữu Danh cùng Bảo, Nhã, Thắng, Giang và hai người khác lập Fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch”. Trung Bảo là người khởi tạo Fanpage “Báo Chí Sạch”. Khoảng một tháng sau, các thành viên góp ý đổi tên thành “Báo Sạch”.
Do mâu thuận nội bộ sau khi viết bài liên quan Công ty Asanzo nên hai thành viên trong nhóm này tự động rời “Báo Sạch”. Từ đây, “Báo Sạch” còn lại 5 thành viên, trong đó, Trung Bảo và Trương Châu Hữu Danh giữ vai trò quản trị viên, những người còn lại giữ quyền biên tập viên. Cả 5 thành viên ai cũng có quyền đăng bài trên “Báo Sạch”.
Fanpage “Báo Sạch” đăng tổng cộng 47 bài viết, trong đó có 26 bài được các thành viên thảo luận, thống nhất trước khi đăng. Những bài viết liên quan đến vấn đề nóng được dư luận quan tâm như: vụ án Hồ Duy Hải, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cưỡng chế tại Gia Trang Quán… Khi hay tin Trương Châu Hữu Danh bị Công an TP Cần Thơ bắt, các thành viên trong nhóm đã tự động rời nhóm. Riêng Thắng là người trực tiếp thực hiện thao tác xóa Fanpage “Báo Sạch”.
Các bị can trong vụ án thông qua hoạt động trang “Báo Sạch” đã nhận tiền để làm truyền thông, quảng cáo cho 8 doanh nghiệp, đối tác ở nhiều địa phương khác nhau, tổng cộng hơn 2,8 tỷ đồng.
Trong đó, Trương Châu Hữu Danh hưởng lợi khoảng 300 triệu đồng; Bảo nhận khoảng 410 triệu đồng; Kiên Giang hưởng lợi 250 triệu đồng; Nhã 245 triệu đồng và Thắng hưởng lợi khoảng 260 triệu đồng. Ngoài ra, Bảo còn giữ 500 triệu đồng có từ hợp đồng làm truyền thông cho một tập đoàn mà chưa chia cho các thành viên nhóm “Báo Sạch”.
(Theo sggp.org.vn)