Bộ Tư pháp: Triển khai công tác tư pháp năm 2022
Cập nhật: 15:37, 21/12/2021 (GMT+7)
(ABO) Ngày 21-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thị Đang, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật để trình Quốc hội xem xét.
Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp tại đểm cầu Tiền Giang). |
Đặc biệt, trước những tác động, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế để triển khai trong toàn hệ thống chính trị.
Nhiều bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW nêu trên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những thành tựu.
Tại điểm cầu Tiền Giang. |
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên trong hệ thống tư pháp.
Đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế. Chủ động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước…
LÊ PHƯƠNG