Thứ Tư, 01/12/2021, 09:55 (GMT+7)
.
CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ:

Những người hùng thầm lặng

Dù trong cuộc chiến nào, “giặc lửa” hay cứu nạn, lúc mọi người cố thoát khỏi vùng nguy hiểm thì cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh Tiền Giang lại dũng cảm lao mình vào nơi hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản của nhân dân…

Các CB-CS nỗ lực dập tắt vụ cháy kho nguyên liệu của Công ty TNHH Thực nghiệp dệt KANGNA.
Các CB-CS nỗ lực dập tắt vụ cháy kho nguyên liệu của Công ty TNHH Thực nghiệp dệt KANGNA.

NHỮNG CÔNG VIỆC THẦM LẶNG

Với hơn 13 năm công tác trong ngành, Đại úy Nguyễn Phạm Minh Trung (Đội Công tác chữa cháy và CNCH) không nhớ mình từng tham gia dập tắt bao nhiêu vụ cháy và bao nhiêu vụ CNCH. Mỗi nhiệm vụ đều mang lại cho anh nhiều bài học để đúc kết kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng tác chiến tại hiện trường.

Vụ cháy kho nguyên liệu của Công ty TNHH Thực nghiệp dệt KANGNA (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) ngày 29-4-2018, được xem là vụ cháy lớn và kéo dài nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Đám cháy đã bao trùm toàn bộ kho nguyên liệu có diện tích hơn 12.000 m2. Sau nhiều ngày chữa cháy tại hiện trường, đến chiều ngày 3-5, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Lực lượng PCCC và CNCH đã bảo vệ được nhà xưởng liền kề có diện tích hơn 22.000 m2, bên trong chứa nhiều trang thiết bị, máy móc kéo sợi và kho thành phẩm có diện tích gần 10.000 m2.

Đại úy Trung nhớ lại: “Với diện tích nhà xưởng rộng, cộng với đám cháy lớn, lực lượng PCCC&CNCH khó triển khai đội hình chữa cháy. Điều đầu tiên là làm sao khống chế và chống cháy lan nhà xưởng và bãi sậy gần đó. Tôi đã triển khai đội hình cho vòi xịt không để tàn lửa bay vào bãi sậy gây ảnh hưởng đến nhà dân gần đó. Sang ngày hôm sau, trong quá trình chữa cháy, tôn nhà xưởng sập đổ xuống các cuộn bông vải làm cháy âm ỉ, không thể phun nước dập tắt hoàn toàn được. Tại thời điểm đó, tôi tham mưu, đề xuất với chỉ huy điều động xe CNCH để có phương tiện phá dỡ cấu kiện che khuất để tiếp cận dập tắt đám cháy”.

Việc luyện tập với cường độ và áp lực cao là nhiệm vụ thường xuyên của các CB-CS.
Việc luyện tập với cường độ và áp lực cao là nhiệm vụ thường xuyên của các CB-CS.

Ngoài việc chữa cháy, lực lượng PCCC và CNCH còn xử lý những vụ như: Giải cứu nạn nhân tai nạn giao thông; sập đổ nhà cửa, công trình; khống chế đối tượng “ngáo đá”, tâm thần; tai nạn đuối nước… Không chỉ Đại úy Trung, mà các đồng đội trong đơn vị, bao nhiêu niềm vui khi cứu người, cứu tài sản thành công thì cũng ngần ấy nỗi buồn trước sự bất lực khi nạn nhân đã ở tình trạng “sự đã rồi”…

Cuối năm 2015, một học sinh tắm sông và không may đuối nước gần cầu Hùng Vương (TP. Mỹ Tho), lực lượng CNCH triển khai đội hình tìm kiếm từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau mới tìm được thi thể nạn nhân. Hay những đêm dài không ngủ, anh cùng đồng đội ngụp lặn dưới đáy sông Tiền để dò tìm nạn nhân. Lần đầu tiếp xúc với thi thể, anh cũng có một chút sợ, nhưng dần thành quen rồi thấy thương nhiều hơn sợ. Đó cũng là một phần trách nhiệm với nhân dân.

Hay Trung úy Trịnh Đình Tuấn (quê Thanh Hóa), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học PCCC, anh được phân công về Tiền Giang công tác. Sáng 28 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhận được tin báo có bệnh nhân nam nghi bị tâm thần (có dấu hiệu muốn tự tử) trèo lên ban công tầng 2 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung úy Tuấn cùng đồng đội khẩn trương đến hiện trường.

Trung úy Tuấn chia sẻ, sau khi bảo vệ an toàn tính mạng và đưa bệnh nhân vào phòng bệnh, Trung úy Tuấn mới biết sự tình câu chuyện của bệnh nhân. Bệnh nhân vào bệnh viện điều trị hơn 1 tháng, nhưng vợ và các con chưa một lần đến thăm. Đến 28 tết, bệnh nhân cảm thấy tủi thân khi ở một mình trong bệnh viện nên mới… Trung úy Tuấn đồng cảm và chia sẻ với bệnh nhân…

Hành trang chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng của người chiến sĩ PCCC và CNCH chỉ là mũ bảo hộ, vòi lăng, bình dưỡng khí, dụng cụ hỗ trợ…, nhưng chiến công của các anh ngày một dày lên bởi những thành tích trong những trận chiến ấy. Trận chiến thầm lặng ít ai biết và nhớ…

“LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC”

Trung bình hằng năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Tiền Giang nhận trên 29.200 cuộc gọi đến số 114. Trong đó, có khoảng 29.000 cuộc gọi cung cấp thông tin báo cháy giả và nội dung quấy rối, chọc phá lực lượng trực thông tin. Từ đó gây khó khăn cho việc xác minh thông tin khi có cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra…

Để có được những chiến công trên, CB-CS PCCC và CNCH đã trải qua quá trình luyện tập liên tục với cường độ và áp lực cao với phương châm: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Đơn vị thường xuyên đưa ra những tình huống giả định, huấn luyện trong môi trường trên cao, dưới nước hay kể cả môi trường thiếu ánh sáng có vật cản để CB-CS rèn luyện kỹ năng chiến đấu và nâng cao bản lĩnh. Không chỉ vậy, mỗi CB-CS PCCC và CHCN bắt buộc phải sử dụng thành thạo hàng trăm thiết bị, khí tài. Sáng hằng ngày, CB-CS phải kiểm tra dầu, nước, thiết bị và khởi động phương tiện, đảm bảo hoạt động bình thường.

Trung úy Trịnh Đình Tuấn cho biết, khi luyện tập, chỉ huy luôn tạo áp lực để mỗi CB-CS rèn luyện, nâng cao thể lực, kỹ năng chiến đấu, vì ở hiện trường có rất nhiều yếu tố tác động đến tinh thần người chiến sĩ. Do vậy, ở hiện trường, mọi hành động cần phải thực hiện nhanh và chính xác. Vì nếu làm sai sẽ không có cơ hội làm lại như lúc luyện tập, có khi còn ảnh hưởng đến tính mạng chính mình và những người xung quanh.

Để làm được nghề PCCC và CHCN, mỗi CB-CS ngoài một trái tim “nóng”, còn cần một cái đầu “lạnh”, bản lĩnh để xử lý nhanh mọi tình huống và kể cả tinh thần chiến đấu, hiểu ý đồng đội để hiệp đồng tác chiến. Đại úy Nguyễn Phạm Minh Trung chia sẻ: “Khó khăn khi triển khai đội hình lặn trong môi trường nước, mình duy trì thở bằng việc ngậm bình dưỡng khí, không được thở bằng mũi, cấu kiện bên dưới phức tạp không thể nhìn thấy được. Do vậy, bắt buộc người trên bờ hay dưới nước phải thuộc lòng những ký hiệu dây để truyền và nhận tín hiệu”.

Dù đang ăn cơm hay đang say giấc ngủ, CB-CS luôn trong tâm thế tập hợp đội hình, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bất cứ lúc nào khi tiếng kẻng báo động cháy vang lên. Chưa đến 90 giây báo cháy, CB-CS phải xuất xe ra khỏi cổng đơn vị. Trong quá trình di chuyển đến điểm báo cháy, cán bộ trực thông tin không ngừng cập nhật, cung cấp, bổ sung thông tin để giúp đồng đội thực hiện nhiệm vụ nắm bắt chính xác diễn biến vụ việc hay tuyến đường đi nhanh nhất…

Sắp kết thúc thời gian tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, Hạ sĩ Nguyễn Việt Thành chia sẻ, trong thời gian được học tập, rèn luyện và tham gia làm nhiệm vụ thực tế đã giúp Thành có thêm kiến thức, kỹ năng chữa cháy và CNCH. Qua đó, Thành hiểu hơn về công việc chữa cháy và CNCH, những kỹ năng học được tại đơn vị sẽ là hành trang trong cuộc sống.

Trong trận chiến với “giặc lửa”, đối mặt với bao hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng không chỉ đòi hỏi sự vững vàng, kinh nghiệm và bản lĩnh của người chiến sĩ chữa cháy và CNCH, mà còn là cả sự hy sinh thầm lặng cho công việc, miễn làm sao những sự cố được khắc phục nhanh nhất và thiệt hại thấp nhất…

VĂN THẢO

.
.
Liên kết hữu ích
.