Cả nước có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng
(ABO) Sáng 14-1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, giai đoạn 2015 - 2019.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính; tham dự điểm cầu Tiền Giang có Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Đang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành luôn quan tâm, thường xuyên nghiên cứu, rà soát các văn bản, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật để thực hiện có hiệu quả, thống nhất Luật Công chứng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Kết quả, đã có 2 nghị định, 1 nghị quyết, 5 thông tư được ban hành.
Đến nay, cả nước có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), tăng 526 TCHNCC so với thời điểm thi hành Luật Công chứng năm 2006. Số lượng công chứng viên cả nước là 2.782, tăng 2.157 công chứng viên so với thời điểm thi hành Luật Công chứng năm 2006.
Bên cạnh đó, các TCHNCC trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu và chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc. Trong đó, tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8.500 tỷ đồng, phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng, tổng số thù lao công chứng thu được gần 1.400 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1.700 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại điểm cầu chính. |
Bộ Tư pháp đánh giá, trong thời gian thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Đồng thời, không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho ngành Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
LÊ MINH