Thứ Bảy, 19/02/2022, 12:17 (GMT+7)
.

Cảnh giác với tin nhắn giả mạo

 

Người dân nên đến các chi nhánh của ngân hàng để được hướng dẫn khai thác các dịch vụ. (Ảnh QUANG ANH)
Người dân nên đến các chi nhánh của ngân hàng để được hướng dẫn khai thác các dịch vụ. (Ảnh QUANG ANH)

Mới đây nhiều thuê bao dùng mạng Viettel đã nhận được cảnh báo với nội dung cảnh giác trước các tin nhắn giả mạo ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Một số ngân hàng như HSBC, Techcombank... cũng cảnh báo người dùng về những thủ đoạn như: giả danh là nhân viên ngân hàng gọi cho khách hàng yêu cầu khách chia sẻ mã OTP để hoàn tất các thủ tục hoặc cập nhật thông tin; dùng sim rác gọi điện mời chào rút tiền mặt từ thẻ tín dụng mà không cần phát sinh giao dịch mua bán hoặc đáo hạn thẻ, chuyển trả góp với phí và lãi suất thấp hơn dịch vụ của ngân hàng... Không ít người đã bị dụ dỗ và cung cấp cho kẻ xấu số thẻ tín dụng, mã bảo mật thẻ, hình ảnh giấy tờ cá nhân, hợp đồng, số điện thoại… dẫn đến việc bị kẻ gian chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tiếp, qua máy cà thẻ (POS), mua sắm online, ví điện tử… Tội phạm mạng cũng có thể gửi thư với giao diện giống thư của ngân hàng hoặc tin nhắn với thương hiệu của ngân hàng thông báo về lỗ hổng an ninh. Tiếp đến, các đối tượng giả danh là nhân viên an ninh ngân hàng gọi để hỗ trợ và yêu cầu người dùng đăng nhập vào trang liên kết giả mạo. Từ đó, tội phạm có được thông tin đăng nhập của khách hàng và thực hiện các giao dịch gian lận...

Các ngân hàng đều hướng dẫn khách hàng cài đặt thêm mật khẩu dùng một lần OTP bằng tin nhắn, hoặc mật khẩu dùng một lần Smart OTP trên ứng dụng của ngân hàng. Khi nhận được tin nhắn thông báo của ngân hàng, nếu có đính kèm một đường link nào đó, thì tuyệt đối không nhấn vào. Nếu có nghi ngờ nào khác, người sử dụng nên gọi điện đến đường dây nóng của ngân hàng để được giúp đỡ.

Hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656) của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về tin nhắn spam trên iMessage có dấu hiệu lừa đảo. Những tin nhắn về quảng cáo đánh bạc, chơi bài trực tuyến, giới thiệu công việc đa cấp. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến nghị người dùng nâng cao cảnh giác, thận trọng với tin nhắn rác mời gọi làm việc, đầu tư kiếm tiền để tránh bị lừa gạt, chiếm đoạt tiền.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm qua, cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Tội phạm mạng lợi dụng không gian mạng, sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng, để thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua theo dõi của Cục An toàn Thông tin, đã có hơn 1.000.000 người Việt Nam, tức là khoảng 16% người dùng internet ở Việt Nam truy nhập tới các trang web lừa đảo, độc hại. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và người dùng dễ bị mắc bẫy. Trong năm 2021, thế giới có 2.000.000 trang web lừa đảo, thì Việt Nam đã có tới 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng. Cục An toàn thông tin liên tục có các cảnh báo để người dùng thận trọng với các giao dịch trên internet.

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an toàn thông tin Cyrada cảnh báo: Mọi người tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc bảo mật được chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo. Người dùng nên lưu ý cân nhắc khi đăng tải những thông tin cá nhân (vé máy bay đi chơi, thông tin mua hàng trực tuyến, tiêm chủng) lên các trang mạng xã hội; thận trọng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng khi giao dịch mua bán online. Đặc biệt, người dùng chủ động thiết lập an toàn cho các loại tài khoản bằng cách đặt mật khẩu đủ khó đủ dài, sử dụng bảo mật hai lớp gửi đến tin nhắn điện thoại, thư điện tử, mã OTP… Các thiết bị có kết nối internet như máy tính, máy tính bảng, máy tính xách tay cần được cài đặt phần mềm chống vi-rút có bản quyền, được cập nhật bản mới thường xuyên.

Chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo, không nên cho người khác sử dụng thiết bị cá nhân có chứa nhiều thông tin quan trọng. Người dùng cần hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng để đăng nhập vào các tài khoản cá nhân; việc đăng nhập email hoặc tài khoản cá nhân ở những nơi phát wifi công cộng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân của người dùng rất dễ bị tin tặc khai thác; hạn chế sử dụng những thiết bị công cộng như máy tính, điện thoại để truy cập vào các tài khoản cá nhân và luôn đăng xuất hoặc sử dụng chế độ ẩn danh khi bắt buộc phải sử dụng các thiết bị này.

(Theo nhandan.vn)
 

.
.
Liên kết hữu ích
.