.

Tăng cường an ninh mạng năm 2022

Cập nhật: 09:04, 14/02/2022 (GMT+7)

Số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) cho biết, trong tháng 1, NCSC đã ghi nhận 1.383 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 10,29% so với tháng 12-2021.

Riêng trong dịp Tết Nhâm Dần (tính từ ngày 29-1 đến 5-2), NCSC đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 241 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Trong năm 2021, Cục An toàn thông tin (ATTT) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 9.700 cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố đối với các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 42,42% so với năm 2020. Cũng trong năm 2021, các đối tượng xấu cũng lợi dụng dịch để tung tin giả, tấn công lừa đảo người dùng chiếm đoạt tiền. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng diễn ra đáng lo ngại. Lý giải nguyên nhân khiến tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gia tăng thời gian qua, đại diện Cục ATTT cho rằng, do dịch Covid-19 nên người dân sử dụng internet nhiều hơn để học tập, làm việc, giao dịch. Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội để phát tán tin giả, lừa đảo nhằm lây nhiễm mã độc, lấy cắp thông tin.

Theo Công ty An ninh mạng Bkav, trong năm 2021 đã có 70,7 triệu lượt máy tính ở Việt Nam bị nhiễm các loại virus. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới. Không những thế, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam tăng đột biến cũng chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát và lây lan mạnh. Cũng trong năm 2021, tại Việt Nam, số lượt máy tính bị virus mã hóa dữ liệu tấn công lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hóa dữ liệu. Hơn 99% người tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng 2021 của Bkav chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker…

Bkav cũng nhận định, năm 2022 các cuộc tấn công bằng mã độc, nhất là loại mã hóa dữ liệu để tống tiền, vẫn sẽ gia tăng nếu người dùng không hành động sớm, quyết liệt. Vấn đề bảo đảm an ninh trên các thiết bị IoT (Internet of Things) cần được quan tâm đúng mức khi triển khai trên diện rộng. Ước tính, đến năm 2025 sẽ có khoảng 75 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu. Càng ngày mạng lưới kết nối giữa các thiết bị IoT càng trở nên rộng khắp với số lượng lớn người dùng khác nhau, khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị này trở nên phức tạp. Mỗi thiết bị IoT đều có thể trở thành một mắt xích bị tấn công hay con đường để hacker xâm nhập vào hệ thống của cá nhân, tổ chức. Tấn công chuỗi cung ứng đang trở thành một xu hướng đáng lo và sẽ là mục tiêu lý tưởng của hacker sắp tới. Hầu hết các cuộc tấn công xảy ra trong năm qua đều có quy mô lớn, nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp tiếng tăm trên toàn cầu, do nguồn lợi tài chính khổng lồ, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng…

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.