Thứ Bảy, 12/03/2022, 10:27 (GMT+7)
.

Lừa đảo qua mạng: Chuyện cũ mà không cũ

Tôi làm quản trị vài hội nhóm có khá đông thành viên, ngày nào khi duyệt tin bài đăng trên nhóm cũng gặp các bài do thành viên gửi để tố cáo, trình bày do bị lừa đảo qua mạng
 

a
Dù đã được cảnh báo, nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa đảo trên mạng xã hội.

Hình thức, cách thức cơ bản vẫn vậy mà sao có người vẫn cả tin mắc bẫy kẻ xấu rồi “tiền mất tật mang”, làm khó cả lực lượng an ninh, chức năng khi trình báo yêu cầu điều tra, truy bắt, thu hồi...

Dịch bệnh COVID-19 làm cho thời gian cách ly, giãn cách kéo dài, thời gian hoạt động trên mạng xã hội của mọi người nhiều hơn bình thường, bọn “tội phạm không lộ mặt” thừa dịp sử dụng thêm nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn để dẫn dụ nạn nhân.

Mạng xã hội cùng công nghệ thông tin phát triển kéo theo mảng kinh doanh online bùng nổ như nấm sau mưa, có không ít người thành công từ loại hình kinh doanh mới mẻ này. Nhưng kèm theo đó là “cơ hội” cho tội phạm khai thác các lỗ hổng bảo mật để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng...

Không ít người thân của tôi bị chiếm quyền điều khiển tài khoản Zalo, Facebook..., sau đó nhắn tin gợi chuyện rồi lừa đảo chuyển tiền. Người càng có tiềm lực kinh tế, quan hệ rộng càng là đối tượng nhắm tới với cách thức thủ đoạn tinh vi. Khi bị chiếm quyền, bọn tội phạm sẽ nhắn tin để giới thiệu, gạ hợp tác làm ăn với thông tin rất hấp dẫn kiểu như:

Đầu tiên là hỏi thăm tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng sức khỏe, công việc hay không? Sau đó trình bày vì có nhiều thời gian ở nhà do hạn chế đi lại, nên gạ gẫm đầu tư làm thêm tại nhà, kiểu “tranh thủ hơn cao thủ” với thu nhập vài chục triệu một tháng, mà mất rất ít công sức như kinh doanh mảng thẻ cào viễn thông, hay kinh doanh hàng mỹ nghệ cao cấp lấy hoa hồng...

Nếu người nhận cảnh giác yêu cầu gọi điện thoại thì kẻ lừa đảo sẽ lấy đủ lý do để né tránh. Ví dụ như đang ở đám tang, đang họp với khách hàng, đang viêm họng hạt nặng… để né tránh không nói chuyện trực tiếp tránh lộ mặt. Người nhận tin chỉ cần kiểm tra lại ngược vài thông tin là kẻ lừa đảo sẽ mất hút, còn nếu cả tin chuyển tiền góp vốn, đặt cọc hay xử lý tạm ứng như yêu cầu thì thôi rồi “tiền bạc sẽ ra đi không hẹn ngày trở lại”.
 

a
Một trong những hình thức lừa đảo trên mạng.


Ngoài ra, còn có kiểu “thả mồi bắt bóng” báo tin nhắn trúng thưởng trên ứng dụng di động, tham gia mini game trúng thưởng… Để nhận được giải thưởng cần gửi tiền phí tham gia, phí xác minh, vận chuyển, làm hồ sơ. Sự thật là chỉ có chuyển đi còn giải thưởng lại như “bóng chim, tăm cá”.

Một số chị lớn tuổi mới tham gia mạng xã hội chưa rành về công nghệ, chơi mạng còn “xanh và non” chính là đối tượng nhắm đến của đội giả mạo người nước ngoài. Chúng thường xuyên, kiên trì tương tác, tán tụng đưa các chị lên mây xanh, rồi gửi quà tặng về Việt Nam, sau đó giả danh nhân viên sân bay, thuế…, yêu cầu chuyển tiền phí, thuế hay tiền phạt để chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều chị lớn tuổi là nạn nhân của các đối tượng này - mất tiền, mất cả tình, cả niềm tin vào… vào người đến từ “hư vô”.

Đáng nói, bọn tội phạm còn nhắn tin, điện thoại giả danh cán bộ ngành Công an, Kiểm soát, Tòa án đang điều tra vụ án có liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân, sau đó vẫn yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản nào đó để điều tra làm rõ, nói sau đó sẽ trả lại.

Ở tình huống khác, tội phạm còn giả danh cảnh sát giao thông thông báo xe bị phạt nguội rồi yêu cầu chuyển tiền bôi trơn để tránh phải nộp phạt. Kiểu này dọa được những ai “có tật giật mình”, làm ăn thiếu “quang minh chính đại” sẽ thấy lo sợ, thế là “mắc bẫy, cắn câu”. Những người làm ăn phi pháp mà bị dọa dẫm liên quan đến án ma túy, hình sự thường sẽ lo sợ, chứ người hiểu biết thì nắm chắc không có công an, cảnh sát, tòa án nào làm việc bằng điện thoại di động có số “tận đẩu tận đâu”.

Một cách thức lừa đảo cũ mà như mới nữa là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bằng cách giả danh khách ngân hàng gửi liên kết yêu cầu cập nhật tài khoản, xác nhận chuyển tiền quốc tế…, sau đó chiếm quyền chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây lợi dụng các chính sách tốt đẹp hỗ trợ người lao động của nhà nước, bọn tội phạmcòn  nhắn tin cho người dùng các thông tin để nhận tiền hỗ trợ, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ mùa COVID-19, sau đó lừa lấy thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Buồn thay số nạn nhân của hình thức lừa đảo này chưa hề giảm. Dù công an có khuyến cáo, phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, nhưng vẫn không ít người cả tin, nối dài thêm danh sách nạn nhân. Làm khó cho lực lượng khi phải điều tra, truy bắt.

Nên chăng cần làm mạnh mẽ khuyến cáo: Không cung cấp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho tài khoản nào mà không biết rõ nguồn gốc. Trước khi thực hiện giao dịch phải làm các động tác xác minh với chủ tài khoản mình muốn chuyển đến…, tới toàn thể người dân thông qua hệ thống trưởng thôn, tổ trưởng dân phố…

Cơ quan chức năng cần truy bắt, xử nghiêm các đối tượng phạm tội lừa đảo sử dụng công nghệ cao, tuyên truyền rộng rãi hơn đến người dân, để cuộc sống “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19 của nhân dân thực sự được “bình thường”.

(Theo diendandoanhnghiep.vn)

.
.
.