.

Lừa đảo qua mạng và bài học cảnh giác

Cập nhật: 10:10, 30/03/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội xảy ra ở nhiều nơi, có vụ vài chục triệu đồng và có vụ lên đến vài trăm triệu đồng hoặc vài tỷ đồng.

Thủ đoạn chủ yếu là giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân gọi điện thoại đe dọa bắt giam vì liên quan đến tội phạm, yêu cầu nạn nhân gửi tiền đến tài khoản của chúng để phục vụ điều tra với lời hứa hẹn sau khi xác minh xong sẽ chuyển trả lại đầy đủ, sau đó chiếm đoạt. Hoặc chúng làm quen, kết bạn với nạn nhân qua Zalo, Facebook…, rồi hứa hẹn tặng những món quà có giá trị khủng.

Sau đó có đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện hoặc các công ty vận chuyển hàng hóa gọi điện thoại đến yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đóng phí để nhận quà.

Một ít vụ, đối tượng đánh cắp tài khoản mạng xã hội và nhắn tin mượn tiền của người thân nạn nhân… Gần đây, lợi dụng tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đối tượng lừa đảo nạn nhân vay tiền online, chuyển khoản kiểm chứng khả năng trả nợ để chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa. Ảnh: sggp.org.vn
Ảnh minh họa. Ảnh: sggp.org.vn

MẤT TIỀN KHI ĐÓNG PHÍ LÀM THỦ TỤC VAY ONLINE

Trong những ngày cuối tháng 3-2022, Công an TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tiếp nhận tin báo về 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội xảy ra trên địa bàn. Một phụ nữ cư trú trên địa bàn phường 1, TX. Cai Lậy cho biết, chị xem trên Internet thấy trang quảng cáo hỗ trợ vay lãi suất thấp của một công ty tài chính nên nhắn tin liên hệ vay 40 triệu đồng.

Sau đó, có một tài khoản Zalo liên hệ, nhắn tin tư vấn hướng dẫn chị làm thủ tục. Rồi có một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty tài chính, liên lạc với chị qua Zalo để tiếp tục làm thủ tục.

Ngày hôm sau, đối tượng nhắn tin yêu cầu chị chuyển 6 triệu đồng vào một tài khoản lạ để gọi là phí làm thủ tục. Khi chị chuyển tiền xong, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 12 triệu đồng thì mới được giải ngân 40 triệu đồng.

Khi giải ngân, đối tượng sẽ trả lại đủ số tiền mà chị đã chuyển trước. Chị lại tiếp tục chuyển đủ số tiền đối tượng yêu cầu. Tuy nhiên, 5 ngày sau, chị vẫn không nhận được số tiền đề nghị vay. Chị đến cơ quan Công an trình báo với nỗi buồn trĩu nặng vì đã mất 18 triệu đồng.

Hay như trường hợp của một thanh niên cư trú xã Tân Hội. Thông qua mạng xã hội, anh làm thủ tục vay tiền theo hướng dẫn của một công ty tài chính. Sau khi làm theo hướng dẫn, anh nhận được yêu cầu chuyển tiền để gọi là làm thủ tục giải ngân, để khắc phục lỗi thao tác trên mạng do anh thực hiện sai và để chứng minh khả năng trả nợ sau khi vay...

Anh chuyển nhiều lần, tổng cộng 40 triệu đồng vào một tài khoản lạ mà 2 ngày sau vẫn chưa nhận được số tiền vay nên anh báo Công an.

ĐÁNH CẮP TÀI KHOẢN FACEBOOK ĐỂ MƯỢN TIỀN

Mới đây, vào ngày 27-3, một phụ nữ sinh sống trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã mất 40 triệu đồng vì đã “chuyển cho người thân mượn”. Chị kể, chị có người chú đi làm thuê ở nước ngoài, 2 người thường liên lạc qua Messenger. Một ngày, tài khoản Messenger của chú nhắn tin mượn chị 40 triệu đồng.

Biết gia cảnh chú không quá khó khăn nhưng sợ chú tự ái nên chị không gọi điện thoại xác minh. Mặt khác, chị lại nghĩ, có thể thời gian dịch bệnh, chú cần vốn để trang trải cuộc sống nên chuyển ngay 40 triệu đồng đến một tài khoản mà “chú” vừa cho. Chuyển xong, chị thấy nghi ngờ nên gọi điện thoại thì mới biết tài khoản Facebook của chú đã bị đánh cắp trước đó 1 ngày.

Hiện nay, thủ đoạn này xảy ra ở khá nhiều nơi. Có khi chỉ là những khoản tiền nhỏ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng hoặc có khi chỉ “nhờ” nạp Card điện thoại di động nên người bị hại rất dễ mất cảnh giác.

CẢNH GIÁC

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, truyền thông và trên Internet liên tục chia sẻ các thông tin về thủ đoạn tội phạm này, nhưng vẫn còn nhiều người cả tin, mắc lừa. Nhiều trường hợp bị lừa không chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật hay thiếu thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, mà còn có phần vì cả tin, bị hấp dẫn bởi những món quà khủng mà đối tượng hứa hẹn hoặc tâm lý hoang mang, mất bình tĩnh trước những lời đe dọa của đối tượng…

Đối với nạn nhân vay online, mức tiền đối tượng yêu cầu chuyển thường thấp hơn nhiều lần so với số tiền mà nạn nhân yêu cầu vay; đồng thời, hứa hẹn sẽ hoàn trả lại các phí chuyển tiền cùng lúc với giải ngân.

Thực tế, sau khi nạn nhân chuyển tiền xong sẽ không nhận được tiền vay mà được yêu cầu chuyển thêm tiền với nhiều lý do như: Khắc phục sự cố, lỗi thông tin khách hàng, củng cố niềm tin với công ty tài chính, chứng minh khả năng trả nợ...  Với tâm lý sợ mất số tiền đã chuyển “làm tin” trước đó, nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để nhanh chóng được giải ngân và “sụp bẫy” lừa.

Thủ đoạn hoạt động không mới và cũng đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần cập nhật thông tin trên các kênh chính thống để tìm hiểu về các dịch vụ ngân hàng, công ty tài chính đang cung cấp, nên trực tiếp đến trụ sở ngân hàng, công ty tài chính để làm hợp đồng, có xác minh rõ ràng, nếu phát hiện bất thường phải thông báo đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Thượng tá Phan Tấn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh cũng đã nhiều lần khẳng định trên các phương tiện truyền thông, báo chí: Không có một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền bắt người khi người đó không vi phạm và lệnh bắt người hoàn toàn không thực hiện qua điện thoại, khi bắt người phải có sự chứng kiến của địa phương.

Vì vậy, mọi người cần hết sức bình tĩnh trước những cuộc gọi đe dọa, cần kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng những biểu hiện nghi vấn nhằm phòng ngừa tội phạm lừa đảo xảy ra.

LÊ HOÀI - VÕ DUY

.
.
.