Quyết liệt hơn trong xử lý sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng
Trước tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng phức tạp, nhằm bình ổn thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đang tập trung phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
THỦ ĐOẠN TINH VI
Theo Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn vi phạm tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh. Phương thức hoạt động là trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng, áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn. Mặt khác, các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh sản xuất phân bón giả, không đảm bảo chất lượng bán cho các đại lý trong tỉnh với giá rẻ và mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh và trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra 66 vụ, lấy 64 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng (35 mẫu vi phạm, 29 mẫu đạt); phát hiện vi phạm và xử lý 51 trường hợp, thu phạt hơn 1,37 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,2 tỷ đồng, 4 vụ chuyển cơ quan Công an tiếp tục xử lý theo quy định. Hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng hoặc có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, vi phạm nhãn hàng hóa…
Lực lượng QLTT kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón. |
Nhiều vụ vi phạm đã được lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra đột xuất và xử lý kịp thời. Điển hình như từ ngày 16-12 đến ngày 28-12-2021, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành kiểm tra đột xuất đối với 10 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành. Đoàn kiểm tra đã lấy 11 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm có 6 mẫu vi phạm; trong đó, có 3 mẫu hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 220 triệu đồng.
Trước đó, từ ngày 8-11 đến ngày 11-11-2021, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG kiểm tra đột xuất đối với 9 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Châu Thành và Tân Phước. Đoàn kiểm tra đã lấy 15 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm có 8/15 mẫu vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 360 triệu đồng; trong đó, có 5 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Theo Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đỗ Văn Phước, trong thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định về điều kiện kinh doanh, không sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng...
Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm. Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục duy trì các hình thức tuyên truyền có hiệu quả thời gian qua như: Trên báo, đài, trực tiếp thông qua kiểm tra, cam kết, tờ gấp... Đơn vị sẽ thường xuyên khuyến cáo, cảnh báo về tác hại, các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và cảnh giác.
Một trong những giải pháp trọng tâm nữa là Cục QLTT tỉnh sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý địa bàn; thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả, phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm để chủ động kiểm tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm.
Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, buôn bán phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...
Cũng theo đồng chí Đỗ Văn Phước, ngoài những giải pháp trên, thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở đã cam kết không kinh doanh phân bón giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong việc phát hiện và cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng QLTT đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón.
M. THÀNH