.

Khi "mầm thiện" được đánh thức

Cập nhật: 09:12, 08/04/2022 (GMT+7)

Đọc sách không chỉ mở mang tầm hiểu biết, khai trí tâm hồn, mà còn giúp những người lầm lỡ có thời gian để nhìn lại giá trị của cuộc sống, từ đó mở lối hoàn lương. Đó chính là thông điệp mà Ban Giám thị Trại giam Phước Hòa, thuộc Cục C10 - Bộ Công an (tọa lạc trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) phát động nhân Ngày hội Đọc sách và Cuộc thi Viết cảm nhận về sách dành cho phạm nhân.

MỞ LỐI HƯỚNG THIỆN

Tại Hội thi Viết cảm nhận về sách lần thứ III-2022 do Ban Giám thị Trại giam Phước Hòa vừa tổ chức, các phạm nhân đã bày tỏ cảm xúc của mình qua cuốn sách mà mình đã đọc và tâm đắc. Với lối kể mạch lạc, giọng truyền cảm của phạm nhân T.T.N. đã cuốn hút người nghe về cuộc đời của nữ Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Dù cuốn sách chỉ dày hơn 100 trang, song qua lời giới thiệu nội dung quyển sách và cảm nhân của phạm nhân đã giúp người nghe, nhất là các phạm nhân học hỏi được nhiều điều hay, từ đó phấn đấu cải tạo tốt…

Ban Giám thị Trại giam Phước Hòa trao thưởng cho các phạm nhân đoạt giải Cuộc thi Viết cảm nhận về sách  lần thứ III-2022.
Ban Giám thị Trại giam Phước Hòa trao thưởng cho các phạm nhân đoạt giải Cuộc thi Viết cảm nhận về sách lần thứ III-2022.

Phạm nhân T.T.N. là dược sĩ, đã chấp hành án được 5 năm tại Trại giam Phước Hòa, chia sẻ: “Tôi nhớ hoài lời nói của Ban Giám thị trại giam rằng: Anh hãy xem mình đang đi học đại học lần thứ 2…”. Chính câu nói này đã giúp tôi nhận ra cuộc đời mình chưa chấm hết. Vả lại, qua đọc sách, giúp tôi có thêm động lực để làm lại cuộc đời…”.

Hay như phạm nhân N.Q.V., đã truyền cảm xúc cho người nghe qua cuốn sách “Vượt thử thách - hướng tương lai”, cho rằng: “Sách đã dạy cho tôi nhiều thứ, và tôi đã nhận ra sai lầm của mình, cố gắng “vượt thử thách”, cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, ra tù trước thời hạn, là công dân tốt...”.

Kể về tấm gương của Giáo sư Ngô Bảo Châu, phạm nhân M.H.P. xúc động: “Tôi đã đánh mất tuổi thanh xuân của mình chỉ vì không kiềm chế được sự nóng giận tức thời. Ngày đầu vào trại, tôi hoang mang, dao động tư tưởng, nhưng nhờ sự động viên, giáo dục của quản giáo, giám thị trại giam và những tấm gương trong các cuốn sách đã giúp tôi soi rọi lại mình, “đứng dậy” làm lại cuộc đời…”.

Thông qua Hội thi Viết cảm nhận về sách, nhiều phạm nhân đã được biết các đầu sách về những tấm gương hướng thiện, đánh thức “mầm thiện” trong mình, như nội dung những quyển sách: Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng, Những người từng một thời lầm lỡ, Khát vọng hoàn lương, Gửi lời xin lỗi…

TIẾP TỤC NÂNG CAO VĂN HÓA ĐỌC TRONG PHẠM NHÂN

Xác định đọc sách đối với phạm nhân là một trong những kênh giáo dục mang lại hiệu quả cao, nên từ nhiều năm nay Trại giam Phước Hòa đã phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm tặng, luân chuyển sách cho trại giam và khuyến khích phạm nhân đọc sách; trong đó, hằng năm, Thư viện Tiền Giang và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc luân chuyển, tặng hàng ngàn đầu sách phục vụ phạm nhân ở Trại giam Phước Hòa. Không chỉ đọc để rút ra nhiều điều hay lẽ phải cho mình, phạm nhân còn giới thiệu cho các phạm nhân khác, tác động khơi dậy văn hóa đọc trong phạm nhân.

Thượng tá Vũ Văn Phượng, Phó Giám thị Trại giam Phước Hòa cho biết: “Hiện nay, cả 3 phân trại của trại giam đều có phòng đọc sách, với hàng ngàn đầu sách về chính trị, xã hội, pháp luật, lịch sử, văn hóa, khoa học -  kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, tâm lý học, gương người tốt việc tốt... Ngoài giờ lao động, học tập cải tạo, phạm nhân được cán bộ các phân trại tạo điều kiện để đăng ký mượn sách đem về đọc tại buồng giam nếu có nhu cầu. Nhờ sách đã giúp phạm nhân soi rọi lại mình, trân quý cuộc sống, có chí hướng hoàn lương…”.

Trực tiếp tham gia Ngày hội Đọc sách và là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi Viết cảm nhận về sách tại Trại giam Phước Hòa, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang Trương Trọng Nghĩa chia sẻ: “Không riêng bản thân tôi, mà bất kỳ những ai chứng kiến phạm nhân kể những câu chuyện trong sách, bày tỏ cảm nghĩ tích cực sau khi đọc sách mới hiểu ý nghĩa to lớn của việc đọc sách, qua đó giúp phạm nhân hướng thiện, làm lại cuộc đời sau cú vấp ngã…”.

Giám đốc Thư viện Tiền Giang Võ Nam Phước khẳng định: “Trong bối cảnh dòng chảy thông tin đa chiều hiện nay, việc định hướng cho phạm nhân đọc, cảm thụ thông qua những trang sách là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp phạm nhân nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn với người khác, hình thành cách nghĩ tích cực, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp. Ngoài ra, sách còn là kênh thông tin quý giá giúp phạm nhân hiểu thêm về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân…”.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.