Thứ Tư, 11/05/2022, 09:16 (GMT+7)
.

Bảo vệ trẻ em phòng tránh bị xâm hại

Xâm hại tình dục trẻ em đã trở thành vấn nạn nhức nhối đối với toàn xã hội. Bởi hậu quả để lại hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em. Trên thực tế, số vụ án liên quan đến hiếp dâm trẻ em vẫn đang có chiều hướng gia tăng, tính chất thêm nghiêm trọng.

VẤN NẠN XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Năm 2021, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 3 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, đa phần là độ tuổi học sinh. Đối tượng thực hiện những hành vi đồi bại đa số ở tuổi thanh niên, trung niên và có cả người đáng tuổi cha, chú của nạn nhân; trình độ học vấn thấp, am hiểu pháp luật còn hạn chế. Thường họ là những người quen biết, hàng xóm và đau lòng hơn khi họ là những người thân thuộc, họ hàng của bị hại. Họ hay dụ dỗ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngây thơ, khả năng tự vệ yếu của nạn nhân để thực hiện hành vi xâm hại.

Thực tế, còn có trường hợp phát sinh tình cảm, có sự chủ động từ phía nạn nhân và trường hợp sống như vợ chồng trái quy định pháp luật. Đáng lưu ý, đa số những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều xảy ra ở nông thôn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận mưu sinh, còn chủ quan, ít để ý đến con em mình.

Minh họa: LD

Đối với xã hội, hiện tượng xâm hại tình dục ở trẻ em không phải là điều mới mẻ mà có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng vì sao nhiều người lớn vẫn thờ ơ, không quan tâm tới vấn đề này; còn trẻ thì rất yếu kém trong các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại. Thậm chí, những vụ xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra mà phía nạn nhân, gia đình không nói ra, không khai báo, tố cáo do sợ xấu hổ, mặc cảm, tủi nhục, định kiến của xã hội.

Trẻ em bị xâm hại lại có tâm lý “người lớn luôn đúng, mình luôn sai”, hay “cũng có phần lỗi do mình” mà không dám tố cáo; hoặc là sự nhầm lẫn giữa “tình yêu” với “lạm dụng tình dục”… Như vậy, việc xâm hại tình dục có thể đang hiện hữu quanh ta nhưng do thiếu hiểu biết, định kiến sai lầm mà ít ai lên tiếng, chia sẻ. Từ đó, khiến nhiều bé gái mang những nỗi ám ảnh, đau khổ kéo dài và đôi khi đeo đẳng suốt cả cuộc đời của nạn nhân.

TRẺ EM CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ

Những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề, người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất, mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh.

Trong công tác tổ chức các phiên tòa xét xử, tòa án luôn cân nhắc kỹ lưỡng, vừa làm rõ các tình tiết của vụ án, vừa đảm bảo thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa; bảo vệ danh dự, phẩm giá của trẻ em. Đặc biệt, tại phiên tòa, hội đồng xét xử còn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích pháp luật, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả, hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời xét xử nghiêm minh, luôn bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Theo đó, kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực tình dục, lấy phòng ngừa là chính; nạn nhân bạo lực tình dục được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời. Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả phải phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống.

Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và nội dung các văn bản pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, chú trọng lồng ghép trong sinh hoạt của ấp, khu phố, tổ tự quản, hoạt động ngoại khóa của học sinh và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp.

Đồng thời, cần phổ biến sâu rộng hơn nữa về quyền của trẻ em để mọi người nhận thức được tầm quan trọng và sự cấp thiết trong vấn đề bảo vệ trẻ em trước những cái xấu, độc hại. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm. Quan trọng nhất, gia đình cùng nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho các em; phổ biến những kiến thức về giới tính một cách khéo léo, lành mạnh. Nâng cao năng lực và trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân người tham gia phòng, chống bạo lực đối với trẻ em ở các cấp.

Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, nhất là vai trò và tầm quan trọng của người mẹ sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ các con từ những cạm bẫy xã hội.

Bản thân trẻ em có sự hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại tình dục nhưng thường lại tò mò khám phá về giới tính - đây là quy luật phát triển giới tất yếu. Vì vậy, nhất định phải có sự định hướng của người lớn và những hiểu biết nhất định mới giúp trẻ tránh bị xâm hại. Xã hội cần chung tay bảo vệ trẻ em để cho những thế hệ tương lai của đất nước được trưởng thành trong một môi trường an toàn, lành mạnh.

KIỀU LOAN

.
.
Liên kết hữu ích
.