Thứ Sáu, 27/05/2022, 17:00 (GMT+7)
.

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh Cảnh sát giao thông "phạt nguội" lừa đảo

(ABO) Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT)- Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo, thời gian gần đây, trên địa bàn Tiền Giang xuất hiện tình trạng các đối tượng mạo danh Công an ở Cục CSGT, PC08 gọi điện thông báo xử lý “phạt nguội” nhằm có hành vi lừa đảo.

Hai số điện thoại không thể liên lạc được sau đó.
Hai số điện thoại không thể liên lạc được sau đó.

Ngay sau TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) tiến hành triển khai xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh (thường gọi là “phạt nguội”) từ ngày 15-5 thì liên tục có các số điện thoại lạ với dãy 13 số (0032704821112, 0091838463320...) gọi điện thoại mạo danh lực lượng Công an ở Cục CSGT, Công an ở PC08 gọi điện thông báo xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh, rồi yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, họ và tên, OTP ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn tương tự, vào chiều 26-5, chị T.T.T.H. (ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) nhận cuộc gọi qua số "0032704821112" cho biết, sau khi tự xưng nhân viên Cục CSGT gọi điện thông báo xe của chị bị xử lý vi phạm giao thông, đối tượng yêu cầu nhấn phím 9 để chuyển tiếp cuộc gọi. Đầu dây bên kia xuất hiện giọng nói và tự xưng là "Thiếu úy Đỗ Hoàng Anh ở PC08" yêu cầu cung cấp số Căn cước công dân, họ và tên, địa chỉ... để truy cập biên bản xử lý "phạt nguội" tại TP. Hồ Chí Minh nhằm lừa đảo.

Trao đổi với chúng tôi vấn đề trên, Trung tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ - Phòng CSGT- Công an Tiền Giang cho biết, quy trình “phạt nguội” đang thực hiện theo 6 bước: Thu thập hình ảnh vi phạm (từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc từ tổ chức, cá nhân cung cấp...); trích xuất hình ảnh; lập hồ sơ vi phạm, in thông báo; phát hành thông báo cho chủ phương tiện; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm; cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ. "Đặc biệt, lực lượng CSGT không có quy định hay cơ chế nào gọi điện thoại trực tiếp đến người vi phạm" - Trung tá Lê Anh Tuấn khẳng định.

Theo ghi nhận của phóng viên, các đối tượng này tự xưng là người của CSGT và thường đặt ra những câu hỏi: Người dân nhận được biên bản xử phạt chưa, đề nghị cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... để Cục CSGT, Phòng CSGT cung cấp cho anh/chị số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt... Tuy nhiên, một ngày sau đó, các số điện thoại mạo danh đều không liên lạc được.

Trước tình trạng này, Phòng CSGT cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, trước hết, cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; chấp hành thông báo của cơ quan chức năng khi có vi phạm. Tất cả trường hợp bị xử lý “phạt nguội” liên quan đến giao thông đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện hoặc người điều khiển. Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết.

Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính, Phòng CSGT sẽ phối hợp với Công an phường, xã, thị trấn để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện. Nếu nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại trên, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và nhanh chóng báo tin cho cơ quan Công an địa phương nơi gần nhất.

HOÀNG LONG

.
.
.