Thứ Năm, 26/05/2022, 09:14 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được các cấp Công đoàn (CĐ) quan tâm thực hiện tốt, với nhiều hình thức tuyên truyền. Từ đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật của CNVCLĐ có sự chuyển biến tích cực.

Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các luật mới ban hành thông qua hộp thư điện tử, trang web, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, như Zalo, Facebook của CĐ các cấp.  Nội dung tuyên truyền là các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan trực tiếp đến người lao động, Bộ luật Lao động 2019, các chế độ, chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền trực tiếp cho CNLĐ tại các doanh nghiệp  về phòng, chống dịch Covid-19.
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền trực tiếp cho CNLĐ tại các doanh nghiệp về phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2021, các cấp CĐ đã đăng tải trên 4.850 lượt tài liệu, hình ảnh tuyên truyền trên các trang mạng Zalo, Facebook, website của đơn vị; phát hơn 21.200 lượt bản tin trên hệ thống loa nội bộ, bảng thông tin của đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, các cấp CĐ còn tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến - vượt khó phát triển”... thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức các cuộc tập huấn cho 52 báo cáo viên pháp luật, 242 cán bộ CĐ; 85 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại doanh nghiệp với 6.290 người dự. Ngoài ra, Văn phòng Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp được 3 cuộc, với hơn 4.000 lượt người tham dự...

" Qua hoạt động tư vấn pháp luật đã giúp CNVCLĐ hiểu hơn về các quy định của pháp luật, từ đó có ý thức thực hiện tốt hơn. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, website của LĐLĐ tỉnh, CĐ các cấp... đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thông qua các hình thức tuyên truyền: Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật; in ấn và phát tờ rơi; xây dựng tủ sách pháp luật; sân khấu hóa; trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí… phù hợp với điều kiện, thời gian lao động và đặc điểm của CNVCLĐ".

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LĐLĐ TỈNH TIỀN GIANG HOÀNG KHẮC TINH

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, PBGDPL được LĐLĐ tỉnh tập trung hướng về cơ sở và người lao động, nhất là ở những địa phương, đơn vị có đông công nhân, lao động (CNLĐ) với phương châm “Mỗi cán bộ CĐ là một tuyên truyền viên”. Theo đó, tập trung tuyên truyền các chế độ, chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Luật CĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động... và các văn bản quy định về hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các cấp CĐ duy trì hoạt động Câu lạc bộ tuyên truyền, PBGDPL, kịp thời tuyên truyền pháp luật đến CNLĐ trong các doanh nghiệp; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động...

Các cấp CĐ cũng đã áp dụng nhiều mô hình mới để tuyên truyền trong CNVCLĐ. Riêng đối với Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp còn tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp lệ kỳ của tổ, chuyền sản xuất; qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ; các trang mạng xã hội Zalo, Facebook của đơn vị; trên xe đưa rước công nhân... Đối tượng tuyên truyền tập trung chủ yếu là CNLĐ ở doanh nghiệp và các khu nhà trọ công nhân tự quản. Hiện nay, 246 doanh nghiệp có tổ chức CĐ có bảng tin, loa truyền thanh nội bộ phục vụ tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ.

Từ đó, đoàn viên, CNLĐ nắm bắt kịp thời, thực hiện tốt việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, có hành vi ứng xử phù hợp với quy định, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, an ninh - trật tự, an toàn xã hội địa phương.

THIÊN LÝ

.
.
.