.

"Kêu gọi từ thiện" nhằm lừa đảo

Cập nhật: 10:51, 04/05/2022 (GMT+7)
Cao Thị Hoài, đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tại Cơ quan điều tra. (Ảnh CÔNG AN TỈNH NAM ĐỊNH)
Cao Thị Hoài, đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tại Cơ quan điều tra. (Ảnh CÔNG AN TỈNH NAM ĐỊNH)

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đã phát hiện các đối tượng có hành vi lợi dụng danh nghĩa hoạt động từ thiện để kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng là, tạo lập trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…), rồi đăng các bài viết, hình ảnh, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ, để lợi dụng niềm tin, lòng tốt của những người hảo tâm gửi tiền ủng hộ; hoặc sử dụng chính những thông tin có thật về các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân của mình để chiếm đoạt.
 
Trước thực tế nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp công an địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này.

Mới đây, ngày 19/2, cơ quan điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã triệt phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1993, trú tại tỉnh Kiên Giang, để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra, Phúc làm nghề quảng cáo cho các trang Facebook bán hàng online. Đầu năm 2019 đến tháng 4/2020, Phúc sử dụng tài khoản Facebook tên "Nguyễn Minh Minh", đăng các bài viết trên mạng xã hội về các trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp bị bệnh tật, kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện.

Sau khi tài khoản này bị khóa do vi phạm các chính sách của Facebook, Phúc mua tài khoản tên "Nguyễn Ngọc" để tiếp tục thực hiện hành vi này. Phúc để tài khoản tên "BAO CAN THO" để mọi người lầm tưởng đây là tài khoản ngân hàng của Báo Cần Thơ và chuyển tiền vào.

Số tiền của những người bị hại sau khi chuyển vào các tài khoản ngân hàng, Phúc sử dụng app Internet Banking trên điện thoại để chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau, rồi rút tiền mặt chiếm đoạt. 

Tại cơ quan công an, Phúc khai nhận, từ đầu năm 2019 đến khi bị bắt, đã chiếm đoạt hơn ba tỷ đồng. Ngoài ra, Phúc còn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với các loại giấy tờ như: bằng cấp, chứng minh nhân dân, căn cước công dân...

Một vụ việc khác là vào cuối tháng 9/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Cao Thị Hoài, 23 tuổi, trú tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hoài từng là công nhân may nhưng sau đó nghỉ việc. Có thời gian rảnh rỗi, Hoài lên mạng xã hội và nảy sinh ý đồ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hoạt động thiện nguyện thu gom, mai táng cho những thai nhi bị bỏ rơi.

Đối tượng đã lập tài khoản Facebook có tên "Trần Mai Thu Thảo" (sau đổi tên thành "Mai Mai"), tự giới thiệu bản thân đang làm việc tại một phòng khám, vào các trang fanpage, Facebook của những người đang làm công tác thiện nguyện cho thai nhi xấu số, lựa chọn các hình ảnh thương tâm, hình ảnh mộ phần đang xây rồi đăng lên trang cá nhân của mình.

Chỉ trong thời gian từ tháng 11/2020 đến 5/2021, từ trang Facebook cá nhân Cao Thị Hoài đã "lừa đảo" gần 700 người từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước gửi ủng hộ vào tài khoản ngân hàng của Hoài, tổng số tiền hơn 260 triệu đồng.

Theo cơ quan công an, trên mạng xã hội hiện vẫn tồn tại rất nhiều dạng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tương tự các vụ việc nêu trên. Để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ các nội dung thông tin đăng tải, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về những hoạt động, người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin.

Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm nên lựa chọn ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.