Tiền Giang: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người
(ABO) Theo Báo cáo 636 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về sơ kết 1 năm thực hiện Công văn 1676 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người. Năm 2021, tội phạm giết người giảm so với năm 2020 và 2019, toàn quốc xảy ra 1.007 vụ giết người), tuy chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu phạm pháp hình sự (2,4%) nhưng gây thiệt hại lớn về người (làm chết 736 người, bị thương 428 người). Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa ký ban hành Công văn 2736 về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, tội phạm giết người xảy ra 17 vụ, làm chết 19 người, bị thương 6 người, không tăng, không giảm so với năm 2020. Trong đó: Tính chất đơn lẻ 12 vụ, có đồng phạm 5 vụ; công cụ gây án là hung khí nguy hiểm (súng, dao, kiếm…) xảy ra 16 vụ, xe ô tô 1 vụ; chủ yếu xảy ra tại địa bàn nông thôn (12 vụ), xảy ra tại thành thị 5 vụ.
Nguyên nhân các vụ giết người trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất phát từ:
- Những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, tích tụ âm ĩ lâu ngày, do ghen tuông tình cảm nam nữ; do mâu thuẫn thù tức trong sinh hoạt thường ngày, tranh chấp kinh tế, đất đai, tài sản thừa kế.
- Mâu thuẫn bộc phát, nhất thời chủ yếu xuất phát từ những va chạm trong lời nói, cử chỉ giữa các cá nhân, đặc biệt là nhóm thanh niên dẫn đến kích động gây ra án mạng.
- Sau thời gian nới lỏng áp dụng các quy định về giãn cách xã hội, nhiều trường hợp tổ chức, lạm dụng uống rượu, bia không kiềm chế cảm xúc bản thân, từ những va chạm nhỏ trong lời nói, cử chỉ giữa các cá nhân hoặc giữa các nhóm thanh niên dẫn đến kích động, sử dụng hung khí đâm, đánh nhau, gây ra án mạng.
- Do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên trước ảnh hưởng của các phim ảnh, trò chơi bạo lực và sự tràn lan trên thị trường của các loại vũ khí, hung khí có nguồn gốc nhập lậu... dẫn đến khuynh hướng sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn xảy ra nhiều hơn.
Trong những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh, tội phạm giết người tăng 60% (8/5 vụ), trong khi số vụ tội phạm về trật tự xã hội giảm 61,3% số vụ (243/628 vụ) so với cùng kỳ năm 2021 và hầu hết các loại tội phạm đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm giết người sẽ còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp; do vậy, đòi hỏi cần huy động cả hệ thống chính trị và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người nhằm giải quyết căn cơ nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này; Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh) đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh và yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các huyện, thành, thị (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm cấp huyện) tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Công văn 1676 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết 96 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Quyết định 1452 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”...
2. Chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu, đặc biệt là tội phạm giết người.
Trong đó, tập trung thực hiện: Tổ chức giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các vấn đề xã hội trong và sau dịch bệnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người; giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Tăng cường phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như: Người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng “ngáo đá” người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, số mới được đặc xá, tha tù…
3. Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên và công nhân ở các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt lưu ý việc chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư, các tôn giáo để phối hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa bàn, từng lĩnh vực.
4. Thực hiện hiệu quả Kết luận 44 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tạo nền tảng để triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Chú trọng duy trì, phát huy, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện, tự giác tham gia; phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
5. Lực lượng Công an các cấp tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai quyết liệt các giải pháp, phương án kéo giảm tội phạm; các chương trình, kế hoạch, biện pháp để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quản lý. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, nhất là băng nhóm nguy hiểm, có biểu hiện hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, liên quan đến “tín dụng đen”.
Khai thác, sử dụng đồng bộ, phát huy giá trị của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa không để tội phạm hoạt động. Chú trọng tăng cường lực lượng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho Công an cấp cơ sở, nhất là Công an cấp xã để chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở; sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động, hòa giải, không để các mâu thuẫn kéo dài, phức tạp.
6. Công an tỉnh chỉ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người (nếu có), nhất là các vụ án gây dư luận xã hội, kiên quyết không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm, bỏ lọt tội phạm; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, xử lý các vụ án giết người để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ; chủ động phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở thiếu sót, bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật... để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
7. Xác định, phân công rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm các cấp trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở nếu để xảy ra tội phạm giết người; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.
Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh và yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm cấp huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Giao Công an tỉnh - Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung trên; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tỉnh theo quy định.
P.V